Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là trụ cột thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

11:45' - 18/10/2022
BNEWS Việt Nam là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong chính sách hướng Nam mới, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư hiệu quả.

Định hướng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt với các nhà đầu tư Hàn Quốc là nội dung được thảo luận tại toạ đàm "Thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam" do Báo Vietnam News, TTXVN tổ chức sáng 18/10, tạị Hà Nội, nhân dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc.

Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang nhấn mạnh, bên cạnh trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, Việt Nam còn là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong chính sách hướng Nam mới, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực để hai nước phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch; trong đó, kinh tế, thương mại và đầu tư là điểm sáng và là trụ cột quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích hài hòa của hai bên.

Thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, vốn FDI đăng ký lũy kế từ Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1988 đến tháng 9/2022 đã đạt hơn 80,5 tỷ USD, với hơn 9.400 dự án đang có hiệu lực.

Tính riêng 9 tháng năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng đánh giá, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc có đóng góp lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, khối doanh nghiệp này có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, dự án năng lượng, tài chính - ngân hàng, mua bán sáp nhập (M&A) và dịch vụ chất lượng cao thời gian qua.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, với vị thế đối tác FDI hàng đầu hiện nay, khoảng 2 năm tới, Việt Nam và Hàn Quốc có thể hiện thực hóa “mục tiêu kép”, đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD.

Từ góc độ địa phương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh Vũ Kim Chi cho biết, địa phương xác định rõ chiến lược hợp tác, thu hút đầu tư và phát triển thương mại Hàn Quốc là trọng tâm trong định hướng phát triển.

Trong lĩnh vực đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án FDI có nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc còn hoạt động với tổng số vốn là 123,5 triệu USD, đứng thứ 9/21 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông lâm nghiệp; dịch vụ ăn uống; bán buôn, bán lẻ; giải trí, truyền thông; giáo dục – đào tạo. Kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường Hàn Quốc của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2021 đạt 19,8 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,2 triệu USD.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) Bae Yong Geun khẳng định, Hàn Quốc đang duy trì vị thế là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, văn hóa, giáo dục và du lịch.

Theo đại diện KOCHAM, Việt Nam có hệ sinh thái đầu tư hấp dẫn với nhiều yếu tố như vị trí chiến lược trong khu vực, lực lượng lao động dồi dào, môi trường đầu tư cởi mở với nhiều hiệp định thương mại vừa được ký kết. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất quy mô lớn.

Tới đây, đại diện KOCHAM cho rằng, Việt Nam cần cải thiện chính sách về cấp phép đầu tư nhằm tiếp tục thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc. Riêng các tỉnh miền Nam cần phát triển nguồn cung nhân lực hoặc cơ sở hạ tầng chủ chốt, tránh trường hợp khi có thêm doanh nghiệp đầu tư thì các điều kiện đầu tư có thể xấu đi do hạn chế về nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Nhận định Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của khu công nghiệp DEEP C cho biết, DEEP C sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khu công nghiệp mới để đón thêm "đại bàng" và khu công nghiệp mới này cũng sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn xanh, bền vững mà khu công nghiệp hiện tại hướng đến.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Về phía Việt Nam, các địa phương đang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên quỹ đất xây dựng nhà ở cho chuyên gia cấp cao và nhà ở công nhân... cũng như bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản, cung cấp các dịch vụ công tiện ích để thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia Hàn Quốc đầu tư, hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư bền vững lâu dài, từ đó lan toả sức mạnh, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương phát triển song hành.

Với những thách thức ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu và xu hướng điều chỉnh chính sách trong trung và dài hạn tại nhiều quốc gia, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thúc đẩy dòng vốn của đối tác FDI hàng đầu vào Việt Nam như Hàn Quốc./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục