Hợp tác xã bắt nhịp thị trường số

09:57' - 02/08/2021
BNEWS Ngay từ những ngày đầu khi dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương, một số hợp tác xã ngoài việc sản xuất theo ứng dụng công nghệ cao đã kết nối tiêu thụ hàng hoá qua các sàn thương mại điện tử.

Dịch COVID-19 kéo dài kéo theo nhiều hệ luỵ khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội và không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc.

Bối cảnh này cũng làm thay đổi tư duy, nhận thức của đa số người tiêu dùng về mua sắm trực tuyến thay cho phương thức truyền thống như trước đây.

Chính bởi cái khó đã ló cái khôn, nhiều hợp tác xã đã nhanh chóng bắt nhịp và thay đổi để thích ứng với thị trường qua việc đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, Facebook, Zalo.

Giới phân tích cũng dự báo rằng tương lai công nghệ số và mua sắm trực tuyến vẫn giữ xu thế chủ đạo.

Vì thế, đây là điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng nền kinh tế số.

Thay đổi để thích ứng

Đánh giá về tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2020, nghiên cứu của Nielsen cho thấy con số này đạt tới 32%, tăng 18 lần so với năm trước đó.

Không những thế, tần suất mua hàng qua thương mại điện tử cũng tăng từ 1,2 lần năm 2019 lên 2,1 lần năm 2020.

Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại 174 hợp tác xã ở 24 tỉnh, thành phố và 34 Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố cũng chỉ ra rằng 76,8% số hợp tác xã tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin và ra quyết định tập thể; 47,4% hợp tác xã thay đổi phương thức kinh doanh như chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang online kết hợp giao hàng tận nơi; 37,4% hợp tác xã sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tư vấn chuyên môn, chính sách.

Đón đầu cơ hội, ngay từ những ngày đầu khi dịch COVID-19 bùng phát rải rác tại một số địa phương, một số hợp tác xã ngoài việc sản xuất theo ứng dụng công nghệ cao đã kết nối tiêu thụ hàng hoá qua các sàn thương mại điện tử.

Không chỉ vậy, mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng trở thành công cụ để quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến và nhận được sự ủng hộ cao từ cộng đồng.

Vài tuần trở lại đây, dịch COVID-19 lan rộng ở các tỉnh phía Nam khiến người tiêu dùng từ bỏ dần thói quen mua sắm truyền thống.

Do vậy, ngoài cung cấp đa dạng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Hợp tác xã Thuận Tiến tại Cần Thơ đã tăng cường ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hướng đi này đã tạo được hiệu ứng tương tác, giúp hợp tác xã dễ dàng nắm bắt nhu cầu cũng như cung cấp các mặt hàng mà khách hàng đang cần, góp phần ổn định doanh thu, vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Văn Đinh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến, dịch COVID-19 khiến doanh thu của hợp tác xã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn để hợp tác xã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức.

Trước mắt, để ổn định hoạt động, ông Nguyễn Văn Đinh chia sẻ ngoài tập trung cải tiến nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã tăng cường quảng bá sản phẩm qua website, facebook và liên kết với các trang thương mại điện tử có uy tín để cung cấp từ các mặt hàng thiết yếu như gạo đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp như nấm linh chi sấy khô, đông trùng hạ thảo sấy khô... cho người dùng.

Ông Đoàn Hữu Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Organic CPA chia sẻ: Để theo kịp xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19, bên cạnh phương thức truyền thống, hợp tác xã đã từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cà phê, mật ong... qua hình thức online.

Theo đó, hợp tác xã đã từng bước quảng bá sản phẩm tại các sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, ocopgialai hay đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm qua Fanpage và Website của hợp tác xã.

Điều này không những giúp khách hàng cập nhật thông tin về hợp tác xã nhanh hơn mà còn có thể dễ dàng so sánh giá cả với các sản phẩm cùng loại của đơn vị khác.

Ngoài ra, hợp tác xã còn đẩy mạnh tương tác trên trang mạng xã hội Facebook để tìm kiếm thêm nguồn khách hàng mới.

Tạo đà phát triển

Gần đây, sau những tín hiệu đáng mừng trong việc thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang và Thanh Hà của một số hợp tác xã trên sàn thương mại điện tử, các trang facebook…, một loạt các nông sản của người dân và hợp tác xã ở các tỉnh thành đã triển khai chiến dịch thâm nhập vào thị trường bán hàng online đầy tiềm năng này như: bơ Đắk Lắk, mận Sơn La, khoai lang tím Vĩnh Long.

Ghi nhận của các ngành chức năng cho thấy, chỉ trong vòng 6 ngày lên sàn phiên chợ nông sản trực tuyến trên Sendo, gần 200 tấn các loại nông sản đã có nơi tiêu thụ. Điều này chứng minh người nông dân, hợp tác xã hoàn toàn có thể làm chủ trên sân chơi thương mại điện tử.

Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) nhận định: Bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, bán hàng online giúp cắt giảm các khâu trung gian. Đặc biệt, khi liên kết với các doanh nghiệp để bán hàng online, hợp tác xã còn được đào tạo và làm quen với quy trình hậu sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Để hàng hoá bán trên các sàn thương mại điện tử có mẫu mã phong phú, bắt mắt người tiêu dùng, Trung tâm đã phối hợp với doanh nghiệp hướng dẫn rất kỹ người dân, hợp tác xã tiếp cận các kỹ năng thu hoạch, sơ chế, đóng gói cũng như cách bán hàng và kinh doanh  trực tuyến.

Ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho hay: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch kinh doanh đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã quảng bá sản phẩm, hàng hóa; triển khai giao dịch với các đối tác, khách hàng dễ dàng so với giao dịch truyền thống.

Từ đó, các hợp tác xã tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ,... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để bắt nhịp xu thế công nghệ số, các hợp tác xã rất cần sự trợ lực từ các cấp, các ngành để nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như trình độ khoa học kỹ thuật ứng dụng thương mại điện tử vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, mới đây Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức có liên quan xây dựng Cổng Thông tin tri thức hợp tác xã với 2 tên miền trithuchtx.vn và coophub.vn.

Đây được xem là giải pháp thiết thực hỗ trợ cho hợp tác xã bắt nhịp xu thế thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.

Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam còn kết nối các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ hợp tác xã cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho cán bộ quản lý ở các hợp tác xã trên địa bàn cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục