Hợp tác xã tạo sự đột phá qua việc chuyển đổi số

15:56' - 12/07/2023
BNEWS Khu vực hợp tác xã, tiến trình chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể, đòi hỏi sự chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao giúp ổn định sản xuất và là chìa khóa để hợp tác xã tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, hiện nay cả nước có hơn 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao có sử dụng công nghệ thông tin. Các mô hình này đang góp phần thúc đẩy nông nghiệp thông minh, nông thôn số trong xây dựng nông thôn mới. 

Tuy nhiên, tại khu vực hợp tác xã, tiến trình chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Ðiều này đòi hỏi các hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số để thích ứng. 

Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ được thành lập từ năm 2008 do các gia đình người Dao ở thôn Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), khi chưa áp dụng chuyển đổi số, doanh thu của hợp tác xã chỉ vào vài trăm triệu/năm. Thế nhưng, hiện nay hợp tác xã đã thu mua từ 650 tấn đến 900 tấn chè búp tươi của người dân, tiêu thụ từ 90 đến 100 tấn chè thành phẩm; doanh thu của hợp tác xã khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Theo các chuyên gia, gần đây đã có khá nhiều hợp tác xã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh…nhằm tăng doanh thu. Chẳng hạn như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) đã thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap. 

Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Còn công nghệ số eGap giúp hợp tác xã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau.

Mặc dù hiệu quả đem lại từ chuyển đổi số với hợp tác xã rất lớn nhưng đa phần có quy mô nhỏ, ít thành viên; nhiều vùng sản xuất nông nghiệp thiếu vắng vai trò của hợp tác xã trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Nhìn chung, việc chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của hợp tác xã vẫn còn chậm và việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất manh mún, đứt đoạn.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên hợp tác xã vẫn còn mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số và gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào ứng dụng công nghệ. Điều này khiến nhiều thành viên hợp tác xã chưa sẵn sàng chuyển đổi số trong điều kiện hiện tại.

Chính vì vậy, nhiều địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ người dân, hợp tác xã nâng cao tư duy, năng lực chuyển đổi số cho hợp tác xã, người dân. 

Đơn cử tại Trà Vinh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với Công ty Sorimachi hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thực hiện quá trình chuyển đổi số qua ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và phát triển bền vững. 

Tại đây, các chuyên gia đã có những hướng dẫn, phân tích và hỗ trợ một số hợp tác xã sử dụng phần mềm kế toán WACA. Phần mềm này được thiết kế phù hợp với trình độ công nghệ thông tin của hợp tác xã, giúp bộ phận kế toán dễ thực hành và ứng dụng trong thực tiễn. 

Đại diện Liên minh Hợp tác xã tại một số địa phương đồng quan điểm rằng hầu hết, các hợp tác xã mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Cùng đó, việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm nhiều. 

Ngoài ra, một rào cản nữa trong chuyển đổi số ở hợp tác xã là nguồn nhân lực có năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, nhất là hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế về số hóa hoặc công nghệ thông tin, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm. Đáng lưu ý, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng Internet và còn xa lạ với phần mềm kế toán, quản lý sản xuất; quản lý bán hàng... 

Bởi vậy, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã; rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực hợp tác xã, sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định sẽ xây dựng Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hợp tác xã theo từng bước cụ thể theo hướng bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục