HSBC kiến nghị thu hút đầu tư tư nhân ở Đông Nam Á

18:05' - 05/04/2019
BNEWS Chiều 5/4, HSBC cho biết vừa đệ trình một số kiến nghị giúp Đông Nam Á có thể thu hút đầu tư tư nhân tốt hơn đối với các dự án mang tính bền vững cả về mặt kinh tế lẫn môi trường.

Các kiến nghị đã được trình bày tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN, nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó tình hình biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng lên khu vực cũng như nhu cầu đầu tư tư nhân ngày càng tăng để thu hẹp sự thiếu hụt vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trước bối cảnh Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tình hình biến đổi khí hậu nếu không có các biện pháp khắc phục có thể làm giảm tổng sản lượng quốc nội (GDP) của khu vực xuống 11% đến cuối thế kỷ 21.

Hơn nữa, ADB cho rằng khu vực công của ASEAN có thể đáp ứng chưa đến 50% tổng lượng vốn đầu tư cần thiết. Chính vì vậy, muốn thu hẹp khoảng cách thiếu hụt này, các quốc gia thành viên ASEAN; trong đó có Việt Nam cần phải từng bước hành động nhằm khuyến khích sự tham gia nhiều hơn từ khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng.
Trong bộ tài liệu đệ trình tại Hội nghị có tiêu đề: "Đầu tư hạ tầng bền vững tại ASEAN", HSBC đưa ra ba kiến nghị nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong việc phát triển bền vững cơ sở hạ tầng tại ASEAN.
Cụ thể, HSBC cho rằng cần phát hành "Báo cáo Thực hiện Cơ sở hạ tầng bền vững” thường niên, do tại thời điểm hiện tại, chưa có một báo cáo nào riêng biệt, chuyên sâu, chuẩn hóa và được công nhận, hỗ trợ các Chính phủ, tổ chức quốc tế, ngân hàng phát triển và khu vực tư nhân có thể dùng để đánh giá tiến trình thực hiện cũng như xác định các cơ hội phát triển khu vực ASEAN.

Hợp tác với các tổ chức đa phương, bản báo cáo sẽ cung cấp danh sách chia sẻ các kinh nghiệm và sáng kiến mà các quốc gia và các thành phố có thể cân nhắc áp dụng để mở rộng thu hút tài trợ các dự án hạ tầng bền vững.
Cùng với đó, xây dựng một Mạng lưới Cơ sở hạ tầng thành thị ASEAN dựa trên mạng lưới Thành phố thông minh của ASEAN, mạng lưới Cơ sở hạ tầng thành thị ASEAN giúp cung cấp năng lực xây dựng cho các nhà lãnh đạo thành phố và lãnh đạo khu vực công. Từ đó, các quốc gia được trang bị tốt hơn về cách thức để làm việc với khối tư nhân trong việc phát triển các dự án hạ tầng bền vững có khả năng hợp tác với các ngân hàng.
Ngoài ra, cần phát triển Bộ công cụ tài chính chiến lược nhằm huy động nguồn vốn tư nhân tại ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác với các ngân hàng phát triển và khu vực tư nhân. Đơn cử, Bộ công cụ tài chính sẽ là tiền đề phát triển các bộ công cụ (biểu mẫu, mô hình, các nguồn tài nguyên hỗ trợ) dành cho các cán bộ viên chức sử dụng khi họ phát triển các dự án hạ tầng bền vững.
Ông Mukhtar Hussain, Giám đốc các Hành lang thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương của HSBC cho biết, giải quyết các thách thức về môi trường không còn đơn thuần ở phạm vi đạo đức mà còn nằm ở khía cạnh kinh tế. Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với phát triển bền vững sử dụng đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực công là cách duy nhất giúp ASEAN giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra đối với các nền kinh tế trong khu vực này.
Hiện tại, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lên các cá nhân, các quốc gia, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Do đó, tìm kiếm và áp dụng các giải pháp hỗ trợ nên là sự nỗ lực từ nhiều phía bao gồm các ngân hàng toàn cầu như HSBC, nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong dài hạn.
Ước tính trong vòng 15 năm tới, sẽ cần tới khoảng 100 nghìn tỷ USD để đầu tư vào hạ tầng bền vững mới trên toàn cầu, gồm: tài trợ cho hạ tầng năng lượng sạch, giao thông bền vững, hiệu quả năng lượng và quản lý chất thải… có thể đáp ứng được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm giới hạn gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.

Cam kết thứ ba theo Hiệp định Paris là “dòng chảy tài chính phải nhất quán với lộ trình tiến tới khí thải nhà kính thấp và tăng trường không ảnh hưởng khí hậu”./.

>>> Giải pháp thu hút đầu tư cải thiện hiệu suất năng lượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục