HSBC: Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố cơ bản hấp dẫn đầu tư nước ngoài

12:34' - 14/03/2018
BNEWS Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Xung quanh câu chuyện về một số ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam về tình hình đầu tư của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng như chiến lược đầu tư của HSBC tại Việt Nam.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình đầu tư của các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây?
Ông Phạm Hồng Hải: Hiện nay chúng ta cũng dễ dàng thấy xu hướng các ngân hàng nước ngoài không còn đầu tư dàn trải mà tập trung chủ yếu vào phát triển ở các thị trường là thế mạnh của họ và ở các thị trường có quy mô nhằm tạo ra tăng trưởng phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng mẹ.
Nhiều ngân hàng thực hiện xem xét chiến lược hoạt động dài hạn của mình tại Việt Nam để có những điều chỉnh cũng như quyết định đầu tư phù hợp. Họ đang tập trung hơn vào những nỗ lực phát triển tự thân hay thế mạnh nội tại của mình. Trong khi đó, các quỹ đầu tư nước ngoài có nhiều khả năng sẽ tích cực tham gia đầu tư vào những ngân hàng nội có tiềm năng phát triển và quản trị lành mạnh.
Do vậy, có thể thấy việc chuyển đổi các hình thức đầu tư như đầu tư vào đối tác chiến lược, mua lại hay đầu tư vào phát triển nội tại đều là những động thái hết sức bình thường trong hoạt động của các ngân hàng ngoại.
Phóng viên: Xin ông cho biết những đánh giá chung về môi trường, điều kiện kinh doanh tại Việt Nam hiện nay và những triển vọng kinh doanh trong thời gian tới. Đối với các nhà đầu tư ngoại, đâu là yếu tố hấp dẫn và đâu là những tồn tại cần được cải thiện?
Ông Phạm Hồng Hải: Việt Nam hiện là quốc gia có nhiều yếu tố cơ bản hấp dẫn đối với đầu tư như tăng trưởng kinh tế ổn định, tình hình chính trị xã hội ổn định, dân số trẻ và năng động, chính phủ cởi mở, ủng hộ phát triển và mở cửa hội nhập kinh tế thông qua hàng loạt các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Ngày 9/3, Việt Nam vừa tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng 10 thị trường khác đã mở ra nhiều triển vọng hơn nữa cho các doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế. Những hiệp định tự do thương mại này với các tiêu chuẩn và bộ nguyên tắc mới về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động sẽ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cũng như thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư khi chúng ta được kết nối với các quốc gia trên khắp thế giới.
Tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ cũng là một yếu tố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2016, có 35% dân số sống ở khu vực thành thị và con số này được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới và có thể đạt 40% trước năm 2020. Dân số ở thành thị đã giúp tăng nhu cầu trải nghiệm mua sắm hiện đại làm thu hút nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế vào Việt Nam. Theo Tổng cục thống kê, thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính đạt tổng giá trị 158 tỉ đô la Mỹ năm 2016.
Cũng theo Tổng cục thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng với tỷ lệ bình quân là 20% một năm trong giai đoạn 2007-2016, tăng gần bảy lần kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Bên cạnh đó, thị trường nội địa lớn với dân số đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và tầng lớp trung lưu kỳ vọng đạt 33 triệu người trước năm 2020 là những yếu tố quan trọng giúp thu hút đầu tư nước ngoài.
Về môi trường đầu tư, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã có những động thái nhằm tích cực cải thiện yếu tố này như cắt giảm nhiều thuế suất trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế châu Á cũng như thông qua các hiệp định tự do thương mại. Việc giảm cũng như dỡ bỏ nhiều loại thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đã giúp các doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường thành viên trong khu vực tự do thương mại.
Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới công bố mới đây cũng cho thấy, chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm so với năm 2017 và cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (57/100 điểm).
Thời gian vừa qua, cùng với xu hướng trên toàn cầu, tại Việt Nam chúng ta cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và fintech (một công nghệ tài chính).
Khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán ngày càng được hoàn thiện theo đúng định hướng của Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các phương tiện và dịch vụ thanh toán phát triển đa dạng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt có sự chuyển biến mới; tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần; thanh toán qua POS tăng trưởng nhanh.
Với tất cả những yếu tố này, Việt Nam đã và đang tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thấy còn những thách thức phải xử lý để hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Một điểm nổi bật là sự chồng chéo về pháp lý dẫn đến việc các cơ quan quản lý khác nhau có cách hiểu khác nhau trong quá trình thi hành luật.
Chúng ta cũng cần tiếp tục cải thiện chính sách thuế nhằm tạo rõ ràng và minh bạch, tránh nhiều cách hiểu khác nhau cho cùng một vấn đề. Một rào cản khác các doanh nghiệp gặp phải là việc thiếu nguồn nhân lực có tay nghề hay việc hạn chế nguồn vốn đầu tư nước ngoài là ở một vài lĩnh vực quan trọng…
Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chúng ta vẫn đang ở thời điểm dân số vàng, lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, cần cù và khéo léo, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định và có lợi thế so sánh khi thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Đây chính là cơ hội của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế để duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Phóng viên: Mục tiêu và kế hoạch phát triển của Ngân hàng HSBC Việt Nam trong trung và dài hạn ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Hải: Việt Nam với nhiều tiềm năng phát triển đã và đang trở thành một thị trường quan trọng đối với HSBC trong chiến lược xoay trục châu Á và tại khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư bền vững tại thị trường này.
Chúng tôi tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành ngân hàng được lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài muốn xây dựng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và là ngân hàng đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ra thị trường thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành ngân hàng quốc tế tốt nhất tại Việt Nam.
HSBC hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với hai mảng hoạt động chính: dịch vụ tài chính bán lẻ và tài chính doanh nghiệp. Hai mảng dịch vụ này tiếp tục là hai trọng tâm phát triển của chúng tôi.
Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh ưu thế mạng lưới toàn cầu của mình cũng như sự am hiểu thị trường tại Việt Nam để hỗ trợ các cơ hội kinh doanh đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp - FDI, khu vực tư nhân đang đóng góp lớn cho nền kinh tế cũng khu vực các doanh nghiệp nhà nước đang được cơ cấu lại hiệu quả hơn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện vị trí đứng đầu trên thị trường trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng đầu tư, dịch vụ tài chính doanh nghiệp cũng như các giải pháp về vốn cho các khách hàng tại Việt Nam. Năm 2017 chúng tôi được công nhận là ngân hàng đầu tư nước ngoài tốt nhất từ tạp chí FinanceAsia; đứng đầu bảng xếp hạng M&A về các hoạt động tư vấn cho các thương vụ M&A quốc tế được công bố từ năm 2012 đến năm 2016 với tổng giá trị lên đến 3,8 tỷ đô la Mỹ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư và chuyên môn từ nước ngoài; giải thưởng giao dịch M&A tốt nhất do Tạp chí Asset Triple A bình chọn; và được bình chọn là ngân hàng quản lý tiền mặt tốt nhất và ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất trong cuộc khảo sát khách hàng của Euromoney.
Trong mảng bán lẻ, HSBC Việt Nam đứng đầu danh sách của Visa quốc tế trong 6 năm về tổng lượng thanh toán qua thẻ tín dụng, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ tập trung vào khối khách hàng cá nhân cao cấp và khối khách hàng có thu nhập khá và ổn định.
Để hỗ trợ các hoạt động mở rộng kinh doanh cũng như mua bán sáp nhập của các doanh nghiệp, chúng tôi tiếp tục các hoạt động là thế mạnh của mình như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với các nhà đầu tư để hỗ trợ kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đa dạng hóa kênh huy động vốn của doanh nghiệp. Chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình Kết nối Đông Nam Á, Hành lang thương mại Đông Nam Á và các buổi hội thảo chuyên đề nhằm kết nối khách hàng với khách hàng và giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Quan trọng hơn hết là chúng tôi tăng cường trao đổi với khách hàng để biết được kế hoạch và nhu cầu đầu tư trong những năm tới của họ đối với thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu để có thể đưa ra những kế hoạch và giải phát tài chính hỗ trợ kịp thời.
Chiến lược phát triển lâu dài của chúng tôi cũng bao gồm đẩy mạnh phát triển các nền tảng công nghệ kỹ thuật số giúp tối ưu hóa và giản lược hóa cuộc sống tài chính của khách hàng. Năm 2017, HSBC Việt Nam giới thiệu tính năng TouchID cho phép khách hàng truy cập kiểm tra tài khoản bằng dấu vân tay, công cụ Kết nối Hải quan giúp khách hàng thanh toán phí hải quan trực tuyến và HSBC Evolve giúp các doanh nghiệp kiểm tra giá và thực hiện các giao dịch ngoại hối trên nền tảng trực tuyến.
Tính đến hết năm 2017, tổng sản lượng thanh toán sử dụng lệnh qua hệ thống HSBCnet chiếm hơn 90% các giao dịch thanh toán của các doanh nghiệp tại HSBC Việt Nam.
Tăng trưởng kinh doanh bền vững cũng là một trong những trọng tâm trong chiến lược của HSBC. Để thực hiện điều này, chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về kiểm soát rủi ro tội phạm tài chính. Đây là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của ngân hàng để đảm bảo chúng tôi chỉ cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho các khách hàng phù hợp với luật định của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, đóng góp xây dựng một ngành ngân hàng khỏe mạnh và bền vững tại Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

>>> HSBC: Các ngành dệt may, da giày của Việt Nam vẫn được lợi từ CPTPP

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục