Huawei và tham vọng phát triển chuỗi cung ứng nội địa giữa "bão trừng phạt"

06:30' - 29/12/2022
BNEWS Khi được hỏi sẽ xây dựng lại chuỗi cung ứng chip của mình như thế nào, Huawei cho biết họ nhằm mục đích "mở rộng khai thác tài nguyên sâu trong lòng đất và phá vỡ các giới hạn trên bầu trời".

Tại thành phố cảng Tuyền Châu ở Đông Nam Trung Quốc, một nhà máy gần như vô chủ từng bị Mỹ trừng phạt 4 năm trước đã hoạt động trở lại. Fujian Jinhua Integrated Circuit Co. (JHICC), một nhà sản xuất chip nhớ, đã phải tạm dừng hoạt động sau khi Mỹ cáo buộc họ ăn cắp bí mật thương mại vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, công ty này đã dần khôi phục sản xuất sau khi xuất hiện một khách hàng mới bí ẩn ký kết với họ.

Khuôn viên của JHICC gồm các tòa nhà bằng kính được sửa chữa khang trang trở lại, cây cối và bãi cỏ được cắt tỉa kể từ khi mở cửa. Đầu năm nay, người khách hàng mới bí ẩn đã đưa nhiều kỹ sư, nhân viên mua sắm thiết bị và tài chính để giúp JHICC khởi động lại sản xuất.

Tuy nhiên, danh tính của họ vẫn là một bí mật mở trong JHICC. Họ đến từ tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei Technologies, nơi có nguồn cung cấp chip bị ngừng hoạt động trong hai năm do lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt vào năm 2020.

* Tham vọng chuỗi cung ứng nội địa của Huawei

Không thể mua chip máy tính ở nước ngoài mà không có giấy phép của Mỹ, Huawei phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp trong nước và thậm chí phải tự mình sản xuất chip. Công ty này từng thiết kế chip của riêng mình và sản xuất chúng ở Đài Loan (Trung Quốc) hay các nơi khác.

JHICC xuất hiện và trở thành một phần của chuỗi cung ứng sản xuất mới mà Huawei đang kín đáo xây dựng trên khắp Trung Quốc, từ Bắc Kinh đến trụ sở chính của họ ở Thâm Quyến. Nhà sản xuất chip gần đây đã nói với một số nhà cung cấp rằng họ muốn tăng gấp đôi công suất sản xuất trong hai năm. JHICC đã không phản ứng trước các bình luận.

"Nhà máy hiện đã hoạt động trở lại. Trước đây, tất cả các nhóm hỗ trợ từ các công ty Mỹ đã rời đi và đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây để giúp đỡ", một nhân viên của Naura Technology Group, nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu của Trung Quốc, hiện đang làm việc tại JHICC, cho biết. Huawei từ chối bình luận về điều này.

Trong khi đó, ngay đối diện nhà máy JHICC, Quliang Electronics, một nhà cung cấp dịch vụ đóng gói chip trước nay ít người biết đến cũng đang xây dựng một cơ sở sản xuất thứ hai trên một địa điểm có diện tích bằng 20 sân bóng đá.

"Phần lớn sản phẩm của chúng tôi là dành cho Huawei. Chúng tôi đã có khoảng 2.700 người trong lực lượng lao động của mình và chúng tôi hiện đang xây dựng giai đoạn hai của nhà máy", một nhân viên của Quliang xác nhận với Nikkei.

Chuỗi cung ứng được lắp ráp âm thầm của Huawei đã tụt dốc khá nhiều so với thời điểm trước khi bị Mỹ trừng phạt. Trước năm 2020, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã cạnh tranh trực tiếp với những "gã khổng lồ" thế giới như Apple và Samsung Electronics, có quyền mua hoặc tìm nguồn cung ứng chất bán dẫn mới nhất từ các nhà cung cấp hàng đầu toàn cầu như Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Sony của Nhật Bản để sử dụng trong thiết bị điện tử của mình.

Theo công ty nghiên cứu IDC, các lô hàng điện thoại thông minh của Huawei đã vượt qua Apple vào năm 2019, đứng ở vị trí thứ hai toàn cầu, so với vị trí thứ ba của Apple. Huawei vẫn là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới nhờ vào sự thống trị trong thị trường rộng lớn của Trung Quốc.

Theo công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner, đơn vị thiết kế chip của Huawei là HiSiliconTechnology có doanh thu 8,2 tỷ USD trong năm 2020, gần bằng quy mô đơn vị thiết kế của Apple. Huawei đã xây dựng nhóm các mạch tích hợp 5G đầu tiên trên thế giới năm 2019 và cũng lần đầu tiên trên thế giới cho ra đời bộ xử lý di động dùng trí tuệ nhân tạo năm 2017.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt được Mỹ công bố năm 2020 đã chặn các nhà cung cấp nước ngoài sản xuất linh kiện cho Huawei nếu vấn đề sản xuất liên quan đến việc sử dụng công nghệ của Mỹ.

Theo giấy phép của Mỹ, Huawei đã được phép mua chất bán dẫn có sẵn từ các nhà cung cấp toàn cầu như Qualcomm. Tuy nhiên, việc tự thiết kế và sản xuất chúng ở nước ngoài, vốn từng là nguồn lực cạnh tranh chính của Huawei, đã bị cản trở bởi lệnh trừng phạt. Mặc dù đã dự trữ linh kiện trước khi các hạn chế được áp dụng nhưng doanh thu của Huawei đã giảm 28,6% trong năm 2021 xuống còn 636,8 tỷ nhân dân tệ (99,88 tỷ USD), trong khi mảng kinh doanh điện thoại thông minh của hãng sụp đổ, rơi từ vị trí thứ hai thế giới về số lượng xuất xưởng xuống vị trí thứ 10, theo dữ liệu của IDC.

JHICC và Quliang chỉ là hai ví dụ về tham vọng chuỗi cung ứng nội địa của Huawei. Huawei và các đối tác đang làm việc trên một mạng lưới sản xuất và lắp ráp chip mới tại Bắc Kinh, Vũ Hán, Thanh Đảo và trụ sở chính của Huawei tại Thâm Quyến, với khoản đầu tư ước tính hơn 400 tỷ nhân dân tệ. Mục tiêu của việc này rất đơn giản, đó là thay thế các nhà sản xuất và nhà cung cấp nước ngoài, đồng thời đưa hoạt động sản xuất chip chính của Huawei đến các trạm cơ sở viễn thông, camera giám sát và điện thoại thông minh, đồng thời dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh chip ô tô.

Donnie Teng, một chuyên gia phân tích công nghệ của Nomura Securities, nói với Nikkei: "Không ai biết rõ hơn Huawei về cách hoạt động khi nằm trong danh sách đen của Mỹ. Những gì chúng tôi biết chắc chắn là công ty này đang có kế hoạch quay trở lại với việc sản xuất vi mạch của riêng mình...".

Kể từ năm 2020, động lực trừng phạt chỉ tăng lên ở Washington và chất bán dẫn đã trở thành đấu trường của một cuộc cạnh tranh địa chính trị khốc liệt khi Mỹ cố gắng củng cố quyền bá chủ công nghệ của mình và làm chậm sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Các biện pháp trừng phạt mới nhất được đưa ra vào tháng 10/2022 đối với Huawei bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu mới, nhằm hạn chế hầu hết mọi khía cạnh phát triển chip của Trung Quốc. Lệnh cấm yêu cầu các công ty Mỹ không vận chuyển một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất định cho bất kỳ khách hàng nào ở Trung Quốc mà không có giấy phép, đồng thời hạn chế bất kỳ nhà cung cấp nào hỗ trợ phát triển chip siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo tiên tiến của Trung Quốc.

Các quy định mới cũng bao gồm lệnh cấm đối với người Mỹ - bao gồm cả công dân và thường trú nhân - hỗ trợ sự tiến bộ về chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.

Ngay sau khi các quy tắc mới của Mỹ có hiệu lực vào đầu tháng 10/2022, hầu hết các nhà cung cấp quan trọng của Mỹ đã nhanh chóng rút hàng trăm nhân viên hỗ trợ khỏi các nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc. Họ bao gồm Santa Clara, công ty sản xuất vật liệu ứng dụng có trụ sở tại California, chuyên về thiết bị sản xuất chip lớn nhất thế giới; KLA, có trụ sở tại Milpitas, California, là nhà cung cấp máy kiểm tra và đo lường đĩa bán dẫn lớn nhất thế giới; Lam Research từ Fremont, California, một nhà sản xuất công cụ khắc, không thể thiếu trong việc chế tạo chip nhớ tiên tiến.

Những công ty này đã làm việc tại các nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc như Công ty Công nghệ bộ nhớ Dương Tử (YMTC) có trụ sở tại Vũ Hán và Công ty công nghệ bộ nhớ ChangXin (CXMT) ở Hợp Phì.

Các nhà sản xuất thiết bị của Mỹ cũng yêu cầu nhân viên của họ rời khỏi các nhà máy tiên tiến thuộc sở hữu của Semiconductor Manufacturing International Co, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, nơi phục vụ nhiều nhà phát triển chip trong nước và quốc tế.

* Hạn chế của dây chuyền sản xuất "Non-A"

Mặc dù vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã gián tiếp thực hiện điều mà Trung Quốc từ lâu đã cố gắng đạt được, đó là khởi động ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Mặc dù đã chi ít nhất 1200 tỷ nhân dân tệ đầu tư công và tư cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước kể từ năm 2014 và ra lệnh cho nhiều công ty nhà nước phải mua hàng Trung Quốc nhưng nước này đạt được rất ít tiến bộ trong việc tự đảm bảo nguồn cung chip trong giai đoạn trước năm 2020. Điều còn thiếu là cầu. Không ai muốn mua chip Trung Quốc vì ngay cả các công ty Trung Quốc cũng thích mua từ các nhà cung cấp nước ngoài.

Giờ đây, nhờ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, điều đó đã thay đổi và các công ty Trung Quốc cần một kế hoạch B. Kết quả là sự bùng nổ ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đã xuất hiện. Có trụ sở tại Thượng Hải, hai nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc là Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC) và Hua Hong Semiconductor đã báo cáo doanh thu kỷ lục trong các năm 2020 và 2021. SMIC thậm chí đã khởi động một đợt mở rộng lịch sử để rót khoảng 26 tỷ USD vào việc mở rộng quy mô, tăng công suất thêm nhiều lần, xây dựng các nhà máy mới ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân và Thâm Quyến với lý do nhu cầu "sản xuất nội địa" tăng cao.

Các công ty chip của Trung Quốc đáp ứng chưa đến 15% nhu cầu thị trường nội địa năm 2018 - trước khi cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên - thế nhưng, thị phần đó đã tăng lên khoảng 24% vào năm 2021, theo ước tính của International Business Strategies. Tuy nhiên, nhiều chip Trung Quốc thường dành cho thiết bị điện tử tiêu dùng ở mức trung bình và thấp hơn là chip lõi cao cấp.

Sự tăng trưởng ấn tượng này đi kèm với những cảnh báo khác. Nhiều loại chip chiếm 24% thị phần, mặc dù được thiết kế bởi các công ty Trung Quốc nhưng thực tế lại được sản xuất bởi các nhà sản xuất chip hợp đồng bên ngoài như vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc và các nơi khác. Dữ liệu của IC Insights cho thấy chip do các công ty Trung Quốc sản xuất tại Trung Quốc chỉ chiếm 6,6% tổng thị trường nội địa năm 2021.

Trong các lĩnh vực cao cấp như bộ xử lý trung tâm, bộ xử lý đồ họa và bộ tăng tốc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho máy chủ, máy tính và thiết bị cầm tay cao cấp, Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng tự túc. Nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các công ty dẫn đầu thị trường Mỹ như Advanced Micro Devices và Nvidia, những công ty hiện bị cấm bán chip tiên tiến nhất của họ cho Trung Quốc.

Ngoài chip, lĩnh vực thiết bị chip nội địa vốn bị bỏ quên từ lâu của Trung Quốc - các công ty sản xuất máy móc cần thiết để chế tạo chip trong nước - đã chứng kiến nhu cầu nội địa tăng lên. Một phân tích của Nikkei cho thấy tổng doanh thu của 5 nhà sản xuất thiết bị hàng đầu Trung Quốc được niêm yết - Naura, AMEC, ACM Research, Hwating và Piotech - đã tăng 121% trong giai đoạn 2019-2021, lên hơn 15,9 tỷ nhân dân tệ. Đó là tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các công ty cùng ngành ở nước ngoài.

Trong khi đó, các nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc như SMIC và YMTC đều đang nỗ lực thiết lập nhiều thiết bị sản xuất chip trong nước và xây dựng dây chuyền sản xuất để loại bỏ thiết bị của Mỹ trong hai năm tới, nhiều giám đốc điều hành ngành chip nói với Nikkei.

SMIC đã tạo ra các dây chuyền sản xuất không sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ có tên là "Dây chuyền Non-A" tại nhà máy của họ ở Bắc Kinh và tại một nhà máy mới được xây dựng khác ở Thông Châu, phía Đông Nam Bắc Kinh, các nhân viên và nhà cung cấp có kiến thức trực tiếp về vấn đề này cho biết.

Cuộc chiến công nghệ chip đang diễn ra ở cấp độ vi mô, chất bán dẫn logic được đánh giá bằng nanomet (một phần tỷ mét, như việc móng tay con người dài ra mỗi giây), đo khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên bề mặt chip. Kích thước nanomet (nm) của chip càng nhỏ, càng có nhiều bóng bán dẫn có thể được ép vào cùng một không gian, cải thiện hiệu suất tính toán và hiệu quả năng lượng.

Các biện pháp trừng phạt được Mỹ áp đặt tháng 10/2022 đã cấm các công ty Trung Quốc mua chip hay thiết bị có khả năng tạo ra chip logic, trong đó các bóng bán dẫn cách nhau 14 nm hoặc nhỏ hơn. Những loại chip như vậy chỉ có thể được sản xuất bằng thiết bị nước ngoài và được sử dụng chủ yếu để sản xuất bộ xử lý tiên tiến hay chip sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Thứ tốt nhất mà các dây chuyền "Non-A" của SMIC có thể sản xuất vào lúc này là chip 40nm, nghĩa là khoảng cách giữa các bóng bán dẫn tương đối lớn. Công nghệ như vậy đã tồn tại từ năm 2008. SMIC đang cố gắng phát triển chip 28 nm mà không cần phụ thuộc vào thiết bị của Mỹ trong vòng hai năm, những người có hiểu biết trực tiếp nói với Nikkei.

Thế hệ chip cũ hơn được sản xuất trên dây chuyền Non-A vẫn có nhiều ứng dụng khác nhau: cảm biến hình ảnh, vi điều khiển, Wi-Fi, Bluetooth và trong nhiều loại chip khác được sử dụng trong ô tô, thiết bị công nghiệp và điện tử tiêu dùng. 

Tuy nhiên, thế hệ này không thể cạnh tranh để sử dụng trong các bộ xử lý dùng cho điện thoại thông minh và máy tính, chạy các thuật toán dùng trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính tiên tiến. Ví dụ, chip xử lý mới nhất dành cho iPhone cao cấp sử dụng công nghệ 4nm - gần bằng kích thước của 12 nguyên tử vàng được đặt theo công nghệ đầu cuối. Công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc chưa tiếp cận được với công nghệ này.

Trong khi đó, ngay cả khi sản xuất thế hệ chip cũ hơn, các dây chuyền sản xuất Non-A của SMIC vẫn cần sự hỗ trợ của các nhà cung cấp nước ngoài không thuộc Mỹ, theo hai nguồn tin nói với Nikkei. Công nghệ nước ngoài được sử dụng trong các quy trình như in thạch bản, nơi ASML của Hà Lan kiểm soát gần 90% thị trường toàn cầu. Canon và Nikon của Nhật Bản cũng là những nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip chính.

Giám đốc điều hành của một nhà phát triển chip, là một trong những khách hàng của SMIC, cho biết: "Việc vận hành một dây chuyền sản xuất chip mà không có sự tham gia của Mỹ là có thể. Nhưng chúng tôi không thể làm được điều đó nếu không có các nhà cung cấp khác ngoài Mỹ được ASML hoặc Canon hỗ trợ. Đó là lý do tại sao Mỹ rất hứng chí đưa tất cả những người chơi quan trọng nước ngoài khác tham gia để kiềm chế Trung Quốc".

Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc không phải là lĩnh vực duy nhất bị trừng phạt, bởi các nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu của Mỹ cũng đã mất chỗ đứng tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ. Thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 30% trong tổng doanh thu 52,2 tỷ USD của ba công ty hàng đầu nước Mỹ trong năm tài chính 2022. Cả công ty Lam Research và Applied Materials ước tính họ có thể mất khoảng 2,5 tỷ USD trong năm tới do các hạn chế thương mại mới nhất. KLA cho biết họ có thể mất tới 900 triệu USD.

"Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đang gây ra thiệt hại ngoài dự kiến cho các công ty Mỹ, cũng như các công ty từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và vùng lãnh thổ Đài Loan. Điều này sẽ thử thách khả năng ngoại giao công nghệ của Mỹ vì họ sẽ phải thuyết phục các nước khác đi theo các chính sách dân tộc chủ nghĩa về công nghệ của mình đối với Trung Quốc", chuyên gia Alex Capri thuộc Quỹ Hinrich có trụ sở tại châu Á cho biết.

Các giám đốc điều hành trong ngành nói rằng họ lo lắng nhiều hơn về hậu quả lâu dài. "Về lâu dài, kiểu can thiệp chính trị này sẽ buộc các công ty nội địa phải phát triển, tìm kiếm các giải pháp thay thế, thay vì chỉ ngồi chờ mọi thứ sụp đổ", một nhà quản lý tại Applied Materials nói với Nikkei.

"Nếu sau này các công ty Trung Quốc có lựa chọn thay thế, họ sẽ không mua hàng từ các nhà cung cấp Mỹ nữa và chúng tôi sẽ mất thị trường về lâu dài", một nhà quản lý tại Applied Materials nói với Nikkei.

Tuy nhiên, việc tách rời các ngành công nghiệp công nghệ của Mỹ và Trung Quốc sẽ là tồi tệ hơn nhiều đối với Trung Quốc, mặc dù nước này đã nỗ lực để tự cung tự cấp nhưng sẽ vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài lâu hơn nữa với các lệnh trừng phạt được áp dụng.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ dường như được soạn thảo đặc biệt dành cho một công ty, quy định lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc thiết bị sản xuất chip có thể tạo ra chip nhớ flash NAND 128 lớp hoặc tiên tiến hơn. Đây là thông số kỹ thuật chính xác mà YMTC, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc, đang bắt đầu sản xuất và YMTC là công ty Trung Quốc duy nhất có thể làm được như vậy.

Được thành lập năm 2016 tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), YMTC được xem là ví dụ thành công nhất về đẩy nhanh việc sản xuất chip của Bắc Kinh trong những năm gần đây. YMTC đã trở thành nhà sản xuất thẻ nhớ NAND lớn thứ sáu thế giới sau Samsung, SK Hynix, Kioxia, Western Digital và Micron Technology. Đây là công ty duy nhất của Trung Quốc lọt vào top đầu bảng xếp hạng này.

YMTC dự kiến sẽ vượt qua nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Mỹ Micron về thị phần toàn cầu vào năm 2025 nhưng điều này có thể sẽ không xảy ra ngay bây giờ do các lệnh trừng phạt vào tháng 10/2022. Thị phần của Micron trong phân khúc chip nhớ là khoảng 10% vào năm 2021. Nếu kế hoạch sản xuất vẫn đi đúng hướng, thị phần toàn cầu của YMTC sẽ đạt 14% vào năm 2025, tăng từ mức khoảng 5% vào năm 2021, trước khi có lệnh phong tỏa của Mỹ. Tuy nhiên, bây giờ, tỷ lệ vào năm 2025 của công ty sẽ chỉ là 6%.

Chip thẻ nhớ của YMTC tiên tiến đến mức trước khi bị Mỹ hạn chế, Apple đã lên kế hoạch sử dụng chip thẻ nhớ flash NAND của công ty này cho iPhone. Đây là lần đầu tiên Apple công nhận một nhà cung cấp Trung Quốc. Điều đó được xem là một dấu hiệu rõ ràng rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ khởi sắc. Những chiến thắng này không chỉ gây sốc cho các đối thủ trong ngành là Samsung và Micron mà còn gây sốc cho các quan chức chính phủ và nhà lập pháp Mỹ.

* Tham vọng sẽ chỉ là tham vọng?

Cách trụ sở chính của Huawei không xa, cần cẩu và máy đào đang làm việc tại một cơ sở sản xuất chip mới cho công ty sản xuất chip tích hợp PengXinWei ở ngoại ô phía Bắc Thâm Quyến. Các nhà điều hành ngành nói với Nikkei rằng địa điểm này sẽ trở thành cơ sở sản xuất chính sản xuất chip đã qua sử dụng của Huawei.

PengXinXu Technology Co., một công ty khởi nghiệp chip khác có tên tương tự được thành lập trong năm nay, cũng đang ráo riết tuyển dụng các kỹ sư và có kế hoạch xây dựng một nhà máy chip ở Thâm Quyến, bởi Huawei là một khách hàng tiềm năng hàng đầu.

Huawei vẫn đang tích cực tuyển dụng nhân tài sản xuất chip ở nước ngoài cho các trung tâm nghiên cứu của mình ở châu Âu và trong nước. Tại Nuremberg (Đức), họ đang tuyển dụng các kỹ sư chuyên phát triển chất bán dẫn điện, trong đó nhà sản xuất chip Infineon Technologies của Đức đứng đầu. Tại Leuven (Bỉ), Huawei đang tìm kiếm các chuyên gia về cấu trúc bộ xử lý trung tâm, một nội dung thông tin đăng trên LinkedIn cho biết.

Trên khắp nhiều thành phố của Trung Quốc - Tây An, Thành Đô, Nam Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Hàng Châu, Thâm Quyến, Huawei đang thuê các kỹ sư chuyên về chip xử lý, linh kiện tần số vô tuyến và chip analog, cũng như các chuyên gia thử nghiệm và thiết kế vỏ chip.

Thay vì cạnh tranh trực diện với những gã khổng lồ trong ngành như Apple, các mục tiêu của Huawei ngày nay thận trọng hơn nhiều. Huawei tìm cách đạt được tiến bộ trong việc sản xuất một số chip lõi được sử dụng trong các trạm viễn thông cơ sở, camera giám sát, ứng dụng ô tô và điện thoại thông minh càng sớm càng tốt.

Đồng thời, Huawei mạo hiểm tham gia vào phân khúc chất bán dẫn điện đang phát triển để đáp ứng nhu cầu từ các nhà sản xuất chế tạo ô tô điện trong tương lai.

"Huawei rất cứng rắn và tôi không bao giờ nghi ngờ quyết tâm của họ. Họ đang dùng đủ mọi cách để chứng minh với thế giới rằng họ vẫn có thể sống sót, thậm chí một ngày nào đó sẽ lấy lại được loại chip của mình", một giám đốc điều hành của một nhà cung cấp nói với Nikkei.

Huawei không chỉ tập trung vào thiết kế chip mà còn xây dựng lại toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm sản xuất, đóng gói và sắp xếp, cũng như vật liệu và thiết bị sản xuất chip. Khi được hỏi sẽ xây dựng lại chuỗi cung ứng chip của mình như thế nào, các giám đốc điều hành của Huawei đã nhiều lần thừa nhận rằng đây là một quá trình rất "tốn thời gian" và cho biết họ nhằm mục đích "mở rộng khai thác tài nguyên sâu trong lòng đất và phá vỡ các giới hạn trên bầu trời". Họ cho biết đây là mục tiêu phát triển chung cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cho rằng điều đó là quá tham vọng. "Gần như không thể có một chuỗi cung ứng chất bán dẫn hoàn chỉnh có thể được xây dựng bởi một quốc gia mà không có sự trợ giúp của nước ngoài. Nó có thể cần một số cuộc đàm phán chính trị", chuyên gia Li của Bernstein Research cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục