Hướng dẫn nông dân đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử

15:23' - 04/06/2022
BNEWS Bình Phước hiện có khoảng 218 doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Tiki, Lazada, Shopee, Vỏ Sò… và trên Sàn giao dịch nông sản tỉnh.

Ngày 4/6, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước và Bưu điện tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị chuyên đề "Hướng dẫn nông dân về thương mại điện tử và quy trình, cách thức đưa nông sản lên sàn giao dịch".

 

Tại hội nghị chuyên đề, cán bộ hội, hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, người dân tham dự được hướng dẫn quy trình tham gia thương mại điện tử như: tạo tài khoản, cách khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên gian hàng, theo dõi đơn hàng trên sàn giao dịch, cách chụp ảnh, quay clip, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức đóng gói, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm….

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang, hội nghị sẽ giúp cán bộ, hội viên nông dân, thành viên hợp tác xã nắm được thông tin, kỹ năng cơ bản về thương mại điện tử; kinh nghiệm và cách thức giới thiệu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, góp phần quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử.

Đây cũng là dịp giúp nông dân tiếp cận với công nghệ mới, thay đổi tư duy bán hàng truyền thống và cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản về kinh doanh số. Từ đó, giải quyết triệt để bài toán "đầu ra" cho sản phẩm nông sản.

Quan điểm của Bình Phước là coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số. Do đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh, nông hộ chuyển đổi số; tích cực xây dựng và tạo lập "dữ liệu mở" phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 và triển khai hỗ trợ đưa hợp tác xã, nông hộ lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh, nông hộ thay đổi và tiếp cận với chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, nhằm đưa các sản phẩm nông sản, OCOP lên sàn thương mại điện tử, tăng sức cạnh tranh, chủ động mở rộng thị trường đầu ra, thu hút nguồn khách hàng đa dạng ở mọi lúc, mọi nơi; giảm bớt khâu trung gian để tăng giá trị lợi nhuận sản phẩm - ông Nguyễn Minh Quang cho biết thêm.

Bình Phước hiện có khoảng 218 doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Tiki, Lazada, Shopee, Vỏ Sò… và trên Sàn giao dịch nông sản tỉnh với gần 500 sản phẩm được bán trực tuyến. Có 5 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại, có trên 1.411 doanh nghiệp của tỉnh đang dùng phần mềm kế toán Misa Amis; trên 200 doanh nghiệp đang dùng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; trên 1.123 doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử; ngành thuế tỉnh đã và đang chuẩn hoá dữ liệu hoá đơn điện tử cho trên 8.049 người nộp thuế.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã đề ra quyết tâm đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; kinh tế số chiếm 20% GRDP; có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5 đến 7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục