Tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hoá qua sàn thương mại điện tử

12:20' - 29/05/2022
BNEWS Nông dân Bình Phước sẽ sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp và trực tiếp đưa nông sản đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử.
Với 2 ha hồ tiêu được canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã sớm khẳng định được thương hiệu và đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu qua thị trường các nước.

Ông Phạm Quang Chung – Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang cho biết, việc sản xuất tiêu sạch theo hướng hữu cơ kết hợp với chế biến sâu đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, vừa an toàn cho người tiêu dùng vừa tạo hướng đi mới cho người nông dân.

Hiện nay, các sản phẩm của hợp tác xã gồm: hạt tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu tứ sắc sấy thăng hoa, hạt tiêu đen và bột tiêu đen, đã được UBND tỉnh Bình Phước cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu của tỉnh năm 2021.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước, hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước cùng với Liên minh Hợp tác xã và các sở ngành liên quan phối hợp triển khai “mô hình hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện” tại 2 hợp tác xã gồm Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện (với sản phẩm mít ruột đỏ, vú sữa hoàng kim) và Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang.

Với mô hình hợp tác xã chuyển đổi số toàn diện, 2 hợp tác xã trên đã được hỗ trợ xây dựng website thông tin thương mại, tham gia vào các sàn thương mại điện tử; cung cấp thiết bị, phần mềm, dịch vụ tiện ích và các giải pháp tăng nhận diện thương hiệu; giúp hợp tác xã ứng dụng quản lý sản xuất bằng các thiết bị công nghệ thông tin; camera theo dõi sản xuất, kho bãi; chữ ký số, hoá đơn điện tử, dịch vụ kế toán; xây dựng hệ thống IoT tự động trong chăm sóc vườn cây; tem mác, mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5 đến 7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.

Nhằm giúp nông dân có điều kiện giới thiệu trực tiếp sản phẩm nông nghiệp trên môi trường Internet, tỉnh Bình Phước đã xây dựng và vận hành Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước. Đến nay đã có 208 thành viên tham gia, với 354 sản phẩm chào bán trên sàn.

Qua 2 năm hoạt động, Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ tích cực cho việc quảng bá doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giao dịch mua, bán nông sản; thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần tích cực cho việc giao thương, lưu thông hàng hóa, nhất là trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.

Thông qua các hoạt động của sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh đã tham gia các hội nghị giao thương, các phiên tư vấn về xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường mà Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tham gia các hội chợ thương mại trực tuyến.

Đồng thời, giúp việc mua sắm của người tiêu dùng thuận lợi, vì hàng hóa đa dạng; thụ hưởng được nhiều chiến dịch khuyến mại từ các nhà bán lẻ; bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêu dùng, UBND tỉnh Bình Phước cho biết.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước, Sở đã cử bộ phận kỹ thuật hỗ trợ kết nối, đăng ký gian hàng, chào bán sản phẩm cho 10 hợp tác xã và doanh nghiệp trên các sàn thương mại điện tử gồm: Tiki, Lazada, Shopee, Vỏ Sò. Đến nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã này đã có tổng cộng 112 sản phẩm nông sản chào bán trên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hoá, nhất là các mặt hàng nông sản của Bình Phước đến người tiêu dùng.

UBND tỉnh Bình Phước cũng vừa ban hành kế hoạch “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2030 tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua kênh thương mại hiện đại chiếm khoảng từ 30 - 35%; tỷ trọng doanh thu qua thương mại điện tử chiếm  khoảng 10% thương mại toàn tỉnh.

Bình Phước cũng tập trung triển khai hiệu quả đề án Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử, thương mại biên giới; triển khai các chương trình, đề án thương mại điện tử hóa nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử cho người dân nông thôn; phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử để tạo các gian hàng và hỗ trợ người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục