Hướng đi mới cho nhà bán lẻ Việt

14:49' - 06/12/2019
BNEWS Thương vụ mua bán sáp nhập giữa Vingroup và Masan có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa phần đều cho rằng, đây là cơ hội lớn cho cả hai bên và thị trường bán lẻ đã có hướng đi mới.

Những ngày cuối năm, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến việc các ông lớn sau khi phát triển đa ngành nghề, đa lĩnh vực thì giờ đây đã lựa chọn một số ngành nghề chủ lực để tập trung phát triển và kinh doanh hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, thương vụ mua bán sáp nhập giữa Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group) mới đây có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa phần đều cho rằng, đây là cơ hội lớn cho cả hai bên và quan trọng nhất là thị trường bán lẻ cho người Việt đã có hướng đi mới.

Hệ thống siêu thị Vinmart. Ảnh minh họa

* Lợi ích thực

Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, việc Tập đoàn Vingroup vừa thỏa thuận sáp nhập hai công ty thành viên là VinCommerce và VinEco vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holding) - thành viên của Tập đoàn Masan  là "bước ngoặt" với cả hai bên bởi lợi ích và toan tính phía sau thương vụ.

Với mảnh ghép hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng tiện lợi Vinmart+, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát kênh phân phối cho các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh và cả thịt mát của công ty. Trong khi đó, hệ thống nông trại của VinEco sẽ bổ sung cho mảng phân bón, thức ăn chăn nuôi và sản xuất thịt mát.

Sau khi tiếp quản 2.600 siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Vingroup, Masan có cơ hội tối đa hóa lợi nhuận khi tiết giảm loạt chi phí trung gian từ khâu sản xuất đến bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.

Phân tích từ các chuyên gia cũng cho thấy, trước đây Masan chịu chiết khấu 28-35% để bán hàng trong siêu thị, nhưng giờ hoàn toàn có thể thương lượng giảm chiết khấu hoặc rút một lượng hàng hóa nhất định. Khi đó, siêu thị buộc phải giảm chiết khấu để tăng tính cạnh tranh, hoặc ưu tiên các nhà sản xuất khác.

Điều này tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam khi tìm đến kênh phân phối siêu thị. Dù vậy, vẫn còn không ít ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, Masan phải chăm lo chuỗi của mình và sản phẩm Masan ở Vinmart sẽ được ưu đãi nhiều hơn các thương hiệu khác.

Ngoài ra, những chuỗi bán lẻ đối thủ của Vinmart có thể lựa chọn khác thay vì hàng của Masan. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng nhân cơ hội này sẽ tìm cách cạnh tranh với Masan bằng cách đẩy hàng vào hệ thống bán lẻ khác.

Theo thông tin được hai Tập đoàn Vingroup và Masan xác nhận, Masan Consumer Holding sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như chính sách với nhà cung cấp.

Vì vậy, kinh nghiệm sẽ không còn là vấn đề khi hai bên bắt tay hợp tác nhưng để vận hành hiệu quả, theo các chuyên gia Masan sẽ cần thêm rất nhiều tiền đầu tư và cả thay đổi chiến lược.

Các sản phẩm của Masan. Ảnh minh họa

* Chủ động nắm giữ thị trường

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thương vụ mua bán sáp nhập giữa Vingroup và Masan đã thu hút rất nhiều dư luận cũng như giới các chuyên gia, doanh nghiệp, người tiêu dùng quan tâm.

Thời gian qua, Vingroup đã phát triển rất nhanh và đạt được tham vọng đề ra trong thời gian ngắn quả là một điều đáng mừng.

Theo ông Trần Duy Đông, rõ ràng thị trường bán lẻ Việt Nam nếu có những doanh nghiệp phát triển như vậy để chiếm lĩnh thị trường là điều rất mừng và phù hợp với chiến lược chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hình thành tập đoàn lớn chi phối thị trường bán lẻ.

Thống kê cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian vừa qua là một trong những thị trường trong khu vực Đông Nam Á còn nhiều tiềm năng với tốc độ phát triển tốt và dự kiến trong nhiều năm tới vẫn duy trì đà tăng trưởng hai con số. Vì thế, việc chuyển nhượng giữa Vingroup và Masan là hoàn toàn phù hợp với tính toán chiến lược của hai doanh nghiệp.

Đối với Vingroup, sau một thời gian dài kinh doanh đa, ngành đa nghề, bất kỳ một Tập đoàn nào khi tái cấu trúc lại cũng muốn có những mảng kinh doanh cốt lõi và với Vingroup tới đây sẽ tập trung vào hai mục tiêu chiến lược là công nghiệp và công nghệ.

Nhìn nhận về bức tranh về kinh doanh của Vingroup, ông Trần Duy Đông cho rằng, mảng đem lại lợi nhuận nhất vẫn là mảng bất động sản.

Còn lại công nghệ cao hay ô tô tập đoàn đang hướng tới phát triển theo chiều sâu, tập trung vì thị trường dung lượng vẫn còn lớn.

Riêng với thị trường bán lẻ, Vingroup cũng đã làm rất đúng và phát triển rất nhanh. Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả giá cao cho Vingroup phát triển hệ thống đó bởi những nhà đầu tư nước ngoài không làm được việc mở rộng mạng lưới để thâu tóm thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng và khả năng sinh lời cao.

Ông Trần Duy Đông cũng chỉ rõ, sở dĩ Vingroup làm được điều này là có những lợi thế nhất định từ mảng bất động sản sang cũng như thương hiệu sẵn có.

Điều đáng nói ở đây là Vingroup đã không lưạ chọn nhà đầu tư nước ngoài và không đi ngược lại những định hướng chủ trương lớn bởi ý thức dân tộc, chính trị tốt nên đã chọn Masan.

Ngược lại, phía Masan cũng hoàn toàn sáng suốt trong việc này vì nếu Masan là nhà sản xuất hàng tiêu dùng mà không chiếm lĩnh được thị trường, chỉ phụ thuộc vào kênh phân phối thì mãi vẫn là doanh nghiệp làm thuê và tỷ lệ lợi nhuận thấp.

Do đó, với bài toán này có thể lúc đầu phải trả phí rất lớn nhưng bù lại vài năm tới sẽ được gặt quả ngọt từ việc mua bán sáp nhập này. Nếu phân tích một cách thấu đáo thì có thể thấy đây là bước đi chuẩn của Masan.

Tới đây, nhà nhà, người người sẽ thấy được sự len lỏi của Masan tới từng ngóc ngách trên cả nước để phục vụ người tiêu dùng. Trong quy luật ai nắm được thị trường người ấy sẽ thắng và đó là bài toán chiến lược của hai doanh nghiệp.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định: Đây là thương vụ giao dịch mua bán sáp nhập được đánh giá lớn nhất của năm 2019.

Với vụ mua bán sáp nhập này, Vincommerce với hai thương hiệu Vinmart và Vinmart+ phối hợp với Tập đoàn Masan sẽ tạo nên một doanh nghiệp mới trưởng thành hơn trên thị trường bán lẻ thay vì Vincommerce hay Masan trước đây.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, với một gương mặt mới này chúng ta có thể kỳ vọng vào một nhà bán lẻ hùng mạnh, hoàn toàn đủ sức cạnh tranh và ganh đua trên thị trường bán lẻ đầy khốc liệt này.

Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng rất cổ động cho các nhà bán lẻ Việt cũng như các nhà đầu tư nước ngoài phải luôn giữ tỷ lệ hàng Việt thật tốt, thật cao tại các quầy, kệ của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và trung tâm thương mại.

Chính vì vậy, Hiệp hội bán lẻ hy vọng đây sẽ là cầu nối hữu hiệu, cửa mở nhiều tiềm năng cho hàng Việt.

Qua đây, hàng Việt cũng phải phấn đấu giành được lòng tin của người tiêu dùng thông qua kênh phân phối để thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng phát triển nhanh và bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục