Huy động phương tiện "luồng xanh" cho tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

16:18' - 19/08/2021
BNEWS Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vận tải đường thủy là loại hình vận tải hiệu quả nhất. Vì vậy, hiện nay, tất cả các tuyến vận tải thủy đều được coi là “luồng xanh”, tức là hoạt động bình thường.

Liên quan đến những khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long do hạn chế lưu thông giữa các địa phương trong mùa dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải chủ động thông tin. Đồng thời, trao đổi về nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của địa phương nhằm phối hợp tháo gỡ theo đúng chức năng, thẩm quyền và hướng dẫn chung của các cấp chức năng. Đặc biệt là huy động phương tiện, "mở đường" tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vận tải đường thủy là loại hình vận tải hiệu quả nhất. Vì vậy, hiện nay, tất cả các tuyến vận tải thủy đều được coi là “luồng xanh”. Tức là, hoạt động bình thường và phải tuân theo quy định phòng, chống dịch COVID-19.

“Hiện, việc quản lý và cho phép các hoạt động ghe thuyền nhỏ đi trong kênh rạch, tuyến thủy lợi nội đồng thuộc về thẩm quyền của địa phương. Các Sở Giao thông Vận tải phải khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thống nhất giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân được ra đồng lao động, vận chuyển phương tiện thu hoạch. Đồng thời, cho phép ghe, thuyền dân sinh, thuyền gia dụng được lưu thông vào các tuyến kênh, mương, hệ thống thủy lợi nội đồng để thu gom lúa gạo; kết nối với các tuyến đường thủy, không để gián đoạn khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết thêm, ngoài việc thu gom và vận chuyển hàng nông sản đang bị ách tắc do nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, một khó khăn khác là theo theo quy định của ngành y tế, thuyền viên phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 có hiệu lực trong 72 giờ. Tuy nhiên, đặc thù của vận tải đường thủy nội địa, có nhiều chuyến khi rời cảng xuất phát đến khi cập cảng dài hơn 3 ngày, nên nhiều thuyền viên bị hết hạn giấy xét nghiệm trong chuyến.

“Thời gian qua, nhiều chốt kiểm dịch tại một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long bị ùn tắc do không thực hiện test nhanh COVID-19 tại chốt; thuyền viên có giấy xét nghiệm hết hạn phương tiện không được lưu thông qua chốt đã khiến nhiều tàu bị ùn tắc, không thể tiếp tục lưu thông”, ông Lê Minh Đạo thông tin.

Ngoài ra, ông Lê Minh Đạo cũng cho hay, một số địa phương còn yêu cầu các chủ tàu cung cấp lộ trình các điểm đến. Song, việc này còn nhiều khó khăn do việc tổ chức thu gom nông sản trên bờ chưa tập trung. Tàu vận chuyển nông sản phải đi nhiều địa điểm trong ngày, khó xác định lộ trình cụ thể.

Vì vậy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bổ sung các điểm xét nghiệm nhanh cho thuyền viên, người lái phương tiện tại các chốt kiểm soát dịch trên đường thủy nội địa.

Cũng liên quan đến tháo gỡ những khó khăn trong vận tải đường thủy nội địa nói chung, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị các địa phương tháo gỡ và có phương án kiểm soát dịch phù hợp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lúa gạo từ ruộng đồng đến các cơ sở sơ chế, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa là phương thức vận tải rất hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, quan điểm chỉ đạo nhất quán của ngành giao thông ngay từ thời điểm Tp. Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đó là tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của hệ thống đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa.

Do đó, mọi hoạt động vận tải trên các tuyến vận tải thủy vẫn được duy trì và hoạt động bình thường trên nguyên tắc đảm bảo những quy định phòng chống dịch đối với tài công, thuyền viên.

Hiện tại, đang là giai đoạn thu hoạch vụ lúa Hè Thu, nhu cầu thu gom lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Nhưng, vướng nhất hiện nay là các thuyền gia dụng, dân sinh không được phép di chuyển trên các tuyến kênh rạch nội xã, nội huyện hoặc nội đồng do quy định kiểm soát y tế của các địa phương. Từ đó, dẫn đến các thương lái, người dân khó thu gom nông sản, lúa gạo để kết nối với các tuyến vận tải đường thủy.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các địa phương tháo gỡ và có phương án kiểm soát dịch phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lúa gạo từ ruộng đồng đến các cơ sở sơ chế, các vựa thu gom và kết nối với các tuyến vận tải thủy, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nhân.

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến đường thủy và các cảng, bến.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến trung tuần tháng 8/2021, vụ Hè Thu tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 780.000 ha với sản lượng đạt khoảng hơn 4,5 triệu tấn. Dự kiến, việc thu hoạch rộ trong nửa cuối tháng 8 và dứt điểm khoảng vào giữa tháng 9/2021.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trong giai đoạn thu hoạch lúa hiện nay, 19 tỉnh, thành phía Nam vẫn đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch, các biện pháp phòng chống dịch triển khai tại cơ sở cấp xã, cấp thôn, ấp… Từ đó, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục