Huyện đảo Phú Quốc - Động lực phát triển kinh tế của Kiên Giang

19:39' - 04/09/2018
BNEWS Phú Quốc là huyện đảo của tỉnh Kiên Giang đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tạo cực tăng trưởng và tác động lan tỏa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Du khách đến Nam Phú Quốc vẫn thường ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp quá thuần khiết và xanh tươi của biển trời. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh chia sẻ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, kinh tế Phú Quốc đang phát triển đúng hướng, tăng trưởng cao và giữ ổn định.

Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực du lịch. Huyện đảo Phú Quốc đang xây dựng theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang và khu vực.

Điểm nhấn nổi bật trong chiến lược phát triển của Phú Quốc là tập trung nguồn lực đầu tư mạnh hạ tầng giao thông, tạo kết nối liên thông với các trung tâm đô thị lớn trong nước và một số quốc gia trên thế giới qua đường hàng không và đường biển.

Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước đã và đang được đầu tư như: dự án điện cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện quốc gia ra đảo Phú Quốc hoàn thành, khai thác sử dụng hiệu quả; nâng cấp hồ nước Dương Đông và cấp nước Phú Quốc, với công suất 21.000 m³/ngày; nhà máy xử lý rác thải sắp hoàn thành, xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung…

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đến nay địa phương đã thu hút 279 dự án đầu tư với diện tích 10.754 ha vào đảo Phú Quốc; trong đó, có 249 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, tổng diện tích hơn 9.000 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 270.500 tỷ đồng, còn lại 30 dự án đang hoàn thiện thủ tục đăng ký đầu tư. Hiện, đã có 36 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 14.750 tỷ đồng; 35 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư 95.731 tỷ đồng, các dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Theo UBND huyện Phú Quốc, ước tính đến cuối năm 2018, huyện có 500 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 15.000 phòng; nhiều dự án về dịch vụ du lịch tiếp tục được đầu tư xây dựng.

Hiện nay, nhiều dự án du lịch, khu vui chơi giải trí đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như: Khu Vinpearl, Safari, Cáp treo dài nhất thế giới An Thới - Hòn Thơm,…

Năm 2017, Phú Quốc đón gần 2 triệu lượt du khách và dự kiến năm 2018 hơn 2,3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch; trong đó, du khách nước ngoài chiếm gần 22%.

Ngoài ra, Phú Quốc hoàn thành giai đoạn I đề án xây dựng thành phố thông minh, đưa vào sử dụng các hạng mục như: hệ thống Wifi công cộng, hệ thống camera giám sát và ứng dụng thông báo ứng cứu khẩn cấp cho người dân và khách du lịch; các thiết bị giám sát môi trường, thông tin về thời tiết, nhiệt độ, không khí... và chính quyền điện tử. Huyện cũng đã thành lập Trung tâm điều hành thành phố thông minh Phú Quốc và Tổ xử lý thông tin thường trực để kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng bày tỏ, Phú Quốc cơ bản đáp ứng các điều kiện cần thiết để trở thành Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt; tác động tích cực trong thúc đẩy kinh tế và thu hút vốn đầu tư tại đảo này, tạo động lực phát triển, hiệu ứng lan tỏa cho khu vực và cả nước.

Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến quan trọng trong bản đồ du lịch của khu vực và thế giới, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh.

Tiềm năng sẵn có cùng cơ chế đồng bộ, vượt trội khi trở thành đặc khu là những nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng của Phú Quốc, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành du lịch của tỉnh, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Phú Quốc hiện đang tranh thủ mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại,…

Công bố rộng rãi danh mục, kế hoạch đầu tư đến năm 2020, các danh mục kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Tiếp đến, tỉnh kêu gọi đầu tư một số dự án cấp bách vào đảo Phú Quốc để góp phần phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các dự án gồm: Khu bệnh viện kết hợp nghỉ dưỡng diện tích hơn 10 ha tại: Khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ với Bệnh viện - Trung tâm điều dưỡng Bãi Trường và đất công viên cây xanh, quy mô 500 giường; Khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng hơn 42 ha tại Khu du lịch sinh thái Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, khả năng phục vụ khoảng 1.200 - 1.600 khách/ngày; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, công suất xử lý 150 tấn rác/ngày, quy mô diện tích 5,25 ha tại ấp Dương Tơ, xã Dương Tơ...

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh cho hay, Phú Quốc tiếp tục đầu tư hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ gồm: hệ thống cấp nước, cấp điện và các trục giao thông.

Ngoài ra, chú trọng đầu tư hạ tầng xã hội để đảm bảo song song phát triển kinh tế và phát triển môi trường xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là các khu tái định cư, khu dân cư, trung tâm thương mại.

Cùng đó, huyện tập trung phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch; quan tâm vấn đề môi trường, xử lý rác thải. Tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp các cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội thu hút đầu tư để thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực và công nghệ cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục