IDA có đi "sai đường" trong hoạt động hỗ trợ các nước nghèo?

05:30' - 13/09/2021
BNEWS Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) là một phần của Ngân hàng Thế giới (WB), được thành lập với mục tiêu hỗ trợ cho các nước nghèo nhất thế giới.

Giáo sư Jayati Ghosh - Thư ký điều hành của Hiệp hội Kinh tế Phát triển Quốc tế, đồng thời là Giảng viên tại Đại học Massachusetts Amherst và nhà kinh tế học Farwa Sial thuộc Viện Chính sách và Vận động Chính sách Cấp cao tại Eurodad - vừa có bài viết đăng tải trên trang mạng Project Syndicate, phân tích về bất cập đang diễn ra trong cách thức tiếp cận và vận hành của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). 

IDA là một phần của Ngân hàng Thế giới (WB), được thành lập với mục tiêu hỗ trợ cho các nước nghèo nhất thế giới. Sứ mệnh của IDA là “giảm nghèo bằng cách cung cấp các khoản vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp và viện trợ không hoàn lại dành cho các chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân.

1/4 nguồn tài chính do IDA cung cấp là các khoản viện trợ không hoàn lại và phần còn lại là các khoản vay ưu đãi, kỳ hạn 30-40 năm, bao gồm cả thời gian ân hạn lên tới 10 năm.  

Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2020, IDA đã cam kết gần 30,5 tỷ USD dành cho các nước thu nhập thấp. Dự kiến tới tháng 10/2021, 173 quốc gia thành viên của IDA sẽ tiếp tục nhóm họp, để thống nhất về khoản giải ngân mới nhất, ước tính trị giá khoảng 94 tỷ USD, cho giai đoạn 2021-2023. Xét về mặt chu trình hàng năm, con số tài chính nói trên không tăng nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh những nước thu nhập thấp đang phải chịu sự tàn phá kinh tế nghiêm trọng từ dịch COVID-19.

Các nước đang phát triển đã bị thiệt hại nặng nề, bởi sự kết hợp của khủng hoảng y tế do đại dịch gây ra, xuất khẩu suy giảm, giá lương thực thế giới tăng, kinh tế nội địa bị thu hẹp, nguồn thu ngân sách giảm và nợ nước ngoài tăng.

WB ước tính, năm 2021, sẽ có thêm 97 triệu người, phần lớn trong số đó ở châu Phi, rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Đây có thể là một đánh giá chưa đầy đủ, vì nó vẫn chưa tính đến giá lương thực đang tăng cao hơn, sự gia tăng bất bình đẳng và những tác động xảy ra đối người nghèo ở Nam Á.

Việc cung cấp các gói hỗ trợ cơ bản nhất cho những người có hoàn cảnh ngày càng bấp bênh, ở các quốc gia nghèo nhất, sẽ tiêu tốn hơn 47 tỷ USD mỗi năm. Các nhà nghiên cứu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính những nước thu nhập thấp sẽ cần khoảng 200 tỷ USD trong vòng bốn năm, cho đến năm 2025, chỉ để phục hồi sau đại dịch và thêm 250 tỷ USD nữa để bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến.

Nhưng ngay cả khi IDA chỉ có thể cung cấp một khoản viện trợ nhỏ hơn con số đó, thì điều này cũng sẽ mang lại một nguồn cứu trợ cần thiết, đặc biệt là về không gian tài chính cho các chính phủ. Ngoài ra, quan trọng hơn cả nguồn tài chính do IDA cung cấp là các khoản cho vay lãi suất thấp.

Nhưng số tiền thực sự sẽ được chuyển đến cho các chính phủ đang rất cần tăng chi tiêu công cho y tế, bảo trợ xã hội và thúc đẩy phục hồi kinh tế là bao nhiêu? Thật đáng tiếc là con số đó sẽ còn nhỏ hơn nữa, vì các quỹ IDA sẽ được sử dụng một phần để hỗ trợ cho tổ chức tư nhân, thay vì cho phép các chính phủ hỗ trợ trực tiếp người nghèo.

Các tiếp cận như vậy là do WB điều phối, nhằm phù hợp với mô hình “ưu tiên tài chính tư nhân” mà cơ quan này đưa ra vào năm 2017, trong đó dành ưu tiên cho các lựa chọn tài trợ tư nhân, hơn là sử dụng các nguồn lực công trong những dự án phát triển. Là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của WB, vào năm 2017, IDA đã khởi động Cơ chế Khu vực Tư nhân (PSW) để huy động đầu tư tư nhân ở các nước tiếp nhận đầu tư.

PSW đặt các nguồn viện trợ của các nhà tài trợ dưới sự kiểm soát trực tiếp của chi nhánh đầu tư khu vực tư nhân thuộc WB, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và chi nhánh bảo lãnh khu vực tư nhân của IFC, Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA). Điều này có nghĩa là các quỹ IDA đang được sử dụng để tài trợ cho các dự án khu vực tư nhân, được hỗ trợ bởi IFC và MIGA, tại các nước thu nhập thấp và các quốc gia đang cần sự giúp đỡ để vượt qua khó khăn và những ảnh hưởng bởi xung đột.

Việc chuyển hướng IDA đã vấp phải nhiều chỉ trích. Ngay từ ban đầu, đã có một số ý kiến cho rằng WB thiếu minh bạch trong việc trợ cấp cho các công ty, thông qua một quy trình không cạnh tranh, trên cơ sở các đề xuất không được yêu cầu. WB cũng không chứng minh được tác động phát triển đầy đủ, bởi vì các tiêu chí để đánh giá PSW và chứng minh “tính bổ sung” của tài chính khu vực tư nhân là rất phức tạp, mang tính kỹ thuật cao và không thể xem xét một cách rõ ràng các tác động phát triển.

Trên thực tế, hiệu quả của PSW dường như chỉ giới hạn ở vai trò của chương trình này trong việc bảo lãnh rủi ro liên quan đến hoạt động của IFC và MIGA, hơn là thể hiện sự đóng góp của tài chính tư nhân vào tăng trưởng kinh tế và tính bền vững. Cuối cùng, một số ý kiến chỉ trích rằng PSW đã không xây dựng được các mục tiêu hiệu quả, hướng vào những dự án liên quan đến phát triển, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang cần đối phó với đại dịch COVID-19.

Ngay cả đánh giá giữa kỳ PSW của WB cũng đã chỉ ra rằng, không phải lúc nào cũng tìm được một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi liệu một dự án có thể được thực hiện mà không có sự hỗ trợ của PSW hay không? Mục tiêu cơ bản của việc giới thiệu PSW ở các nước đang phát triển, để đưa nguồn tài chính tư nhân vào các dự án phát triển, cũng chưa thành hiện thực. Đánh giá năm 2021 của Nhóm Đánh giá Độc lập của WB cho thấy, về tổng thể, PSW đã huy động vốn tư nhân thậm chí còn ít hơn các công cụ tài chính hỗn hợp khác, như Quỹ bảo lãnh MIGA.

Sự kiên trì của WB với chiến lược định hướng tài chính tư nhân, bất chấp nhu cầu tăng chi tiêu công ngày càng trở nên rõ ràng hơn, có thể phản ánh một phần cấu trúc quản trị của IDA hiện nay. Cơ quan được thành lập vào năm 1960 đại diện cho một thỏa hiệp được các nước đang phát triển chấp nhận, nhiều nước trong số đó đã yêu cầu có một quỹ đa phương của Liên hợp quốc (LHQ) hoạt động trên cơ sở “mỗi nước một phiếu” để giúp đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nhưng ảnh hưởng của Mỹ trong WB đã ngăn cản điều đó và 74 quốc gia tiếp nhận IDA hiện có ít hơn 16% quyền biểu quyết. Sự thiếu hụt dân chủ ở cấp độ đa phương, cùng với việc thiếu trách nhiệm giải trình ở các giai đoạn đánh giá, càng làm giảm phạm vi ảnh hưởng đến việc ra quyết định của các nước đang phát triển.

Việc đảo ngược xu hướng phát triển tích cực, do đại dịch đang diễn ra, cần phải được giải quyết thông qua các kênh ổn định tài chính ở các nước đang phát triển. Những kênh này nên tập trung vào những khoản tài trợ cho các dịch vụ thiết yếu công cộng như sức khỏe và giáo dục, tương tự như hạ tầng cơ sở. Do những hạn chế cố hữu của PSW, việc trợ cấp cho khu vực tư nhân đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ công, thông qua IDA, sẽ chỉ làm trầm trọng thêm hậu quả có hại của đại dịch.

Nếu IDA vẫn giữ chức năng là một nguồn quỹ phục hồi quan trọng dành cho các nền kinh tế nghèo nhất, thì các nguồn lực đó phải được sử dụng một cách có hiệu quả. Điều này đưa tới một đòi hỏi cấp bách, đó là phải đóng PSW và thay thế chương trình này bằng hoạt động cung cấp các nguồn lực trực tiếp cho các chính phủ và một cách tiếp cận phát triển thay thế khác, để tăng cường nguồn tài chính công và các dịch vụ công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục