LHQ hợp tác với các ngân hàng trong cuộc chiến chống đói nghèo

06:16' - 31/07/2021
BNEWS Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế của Liên hợp quốc cho hay sẽ phối hợp cùng với các ngân hàng phát triển của chính phủ các nước để chuyển đổi hệ thống lương thực trong bối cảnh nạn đói gia tăng.

Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc (LHQ) cho hay sẽ phối hợp cùng với các ngân hàng phát triển của chính phủ các nước để chuyển đổi hệ thống lương thực trong bối cảnh nạn đói gia tăng trên toàn cầu do sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố, ông Gilbert Houngbo, người đứng đầu Quỹ IFAD, có trụ sở tại thành phố Rome (Italy), khẳng định sự phối hợp này có thể giúp thay đổi tình hình hiện nay.

Ông nhấn mạnh việc cải cách hệ thống nông nghiệp để đem lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới cần nguồn đầu tư ổn định ước tính lên tới 350 tỷ USD/năm trong thập kỷ tới.

Ông Houngbo cũng cho hay mục tiêu của sáng kiến này là thúc đẩy nông nghiệp bền vững, khuyến khích trả lương công bằng và phổ cập khả năng tiếp cận lương thực toàn cầu.

Theo ông Gilbert Houngbo, nếu muốn hệ thống lương thực đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo tại nông thôn, các ngân hàng phát triển của chính phủ cần là một phần của kế hoạch hành động toàn cầu mạnh mẽ, thống nhất và quyết đoán.

Theo ông Houngbo, IFAD cùng các đối tác là Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư quốc gia Italy (CDP) sẽ liên hệ chặt chẽ với “các viện nghiên cứu, lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự", kêu gọi mở rộng cấp vốn cho các dự án đầu tư xã hội và môi trường, hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ tại một số nước nghèo nhất thế giới.

Mới đây, LHQ cho biết mục tiêu xoá đói và suy dinh dưỡng trên thế giới đến năm 2030 khó có thể đạt được do đại dịch COVID-19 và sự lây lan của biến thể mới đã làm trầm trọng hóa thực trạng hiện nay.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 810 triệu người trên khắp thế giới đang ở ngưỡng đói nghèo trầm trọng, tăng mạnh so với con số 690 triệu người hồi năm 2019.

Cùng ngày, Văn phòng Ðiều phối các hoạt động nhân đạo của LHQ (OCHA) cảnh báo khoảng 500.000 người dân tại tỉnh Balochistan, Pakistan đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về lương thực trong bối cảnh địa phương này đang bị ảnh hưởng nặng nề do mùa đông khắc nghiệt, dịch COVID-19 và nạn châu chấu.

OCHA, cho biết thêm có 100.000 người khác cần cứu trợ khẩn cấp để đảm bảo cuộc sống trước nạn hạn hán. Kiểu thời tiết cực đoan này đã khiến nguồn nước tại tỉnh Balochistan giảm mạnh, phá hủy mùa màng và đe dọa vật nuôi.

Các chuyên gia khí tượng dự báo điều kiện thời tiết khô hạn như hiện này sẽ kéo dài đến hết năm 2021 tại phía Tây Nam tỉnh Balochistan, giáp ranh với Iran và Afghanistan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục