IMF cảnh báo tình trạng gia tăng rủi ro nợ doanh nghiệp

18:40' - 17/10/2019
BNEWS IMF cảnh báo "núi nợ" 19.000 tỷ USD mà các doanh nghiệp đang “ôm”, chiếm gần 40% tổng số nợ doanh nghiệp, tại 8 nền kinh tế lớn có thể đang ở trong tình trạng vô cùng rủi ro.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Ảnh: AFP/TTXVN

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 16/10 cảnh báo lãi suất cho vay thấp giữa bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, một phần do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đã làm gia tăng rủi ro đối với vấn đề vay nợ của doanh nghiệp, có thể gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới.

IMF đã nêu tình trạng gia tăng rủi ro nợ doanh nghiệp và kêu gọi các cơ quan quản lý của chính phủ mở rộng phạm vi giám sát ra cả ngoài các ngân hàng, vốn là mối lo ngại trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu, IMF cảnh báo núi nợ 19.000 tỷ USD mà các doanh nghiệp đang “ôm”, chiếm gần 40% tổng số nợ doanh nghiệp, tại 8 nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, có thể đang ở trong tình trạng vô cùng rủi ro.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã hạ lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giúp các công ty và các chính phủ tiếp cận nguồn vay vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó cũng thúc đẩy các nhà đầu tư tìm cách để có được lợi nhuận nhiều hơn trên các khoản đầu tư của mình, bao gồm cả việc mua các chứng khoán mang tính rủi ro cao.

Nếu một cuộc khủng khoảng mới nổ ra, nhiều “con nợ” sẽ không thể thanh toán nổi các khoản vay của mình.

Anna Ilyina, giám đốc Bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF, cho biết tổng nợ doanh nghiệp tại tám nền kinh tế lớn hiện đứng ở mức khoảng 51.000 tỷ USD, so với mức 34.000 tỷ USD trong năm 2009.

Giám đốc phụ trách các thị trường vốn và tiền tệ của IMF, Tobias Adrian cho hay căng thẳng thương mại ngày càng xấu đi có thể làm tình hình tồi tệ hơn khi những diễn biến mới khiến các thị trường tài chính trên toàn thế giới và các nhà đầu tư trở nên "bi quan hơn".

Do đó, IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới tiếp tục hợp tác để giải quyết những căng thẳng thương mại đó.

>> IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục