IMF: Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng tại Trung Đông-Bắc Phi

08:47' - 24/09/2020
BNEWS Báo cáo của IMF cho thấy, các SME còn tạo ra khoảng 50% việc làm và đóng góp tới 70% giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho một số quốc gia Trung Đông-Bắc Phi. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố một nghiên cứu mới, trong đó chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) giữ vai trò rất quan trọng và chiếm hơn 90% hoạt động kinh doanh tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi.

Báo cáo của IMF cho thấy, các SME còn tạo ra khoảng 50% việc làm và đóng góp tới 70% giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho một số quốc gia Trung Đông-Bắc Phi.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể làm cản trở đà tăng trưởng, trong đó có tình trạng tiếp cận tín dụng hạn chế và môi trường kinh doanh không thuận lợi.

Để giải quyết những thách thức như vậy, nghiên cứu nhấn mạnh rằng công nghệ kỹ thuật số mang lại cơ hội mới cho các SME để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.

Đặc biệt, ứng dụng các công nghệ mới và Internet băng thông rộng có thể tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới, tiếp cận thị trường và tài chính, qua đó cho phép các công ty hoạt động từ xa trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đang áp dụng các lệnh phong tỏa để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cho đến nay, các SME tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi còn khá chậm chạp trong việc tiếp nhận công nghệ kỹ thuật số và thương mại điện tử. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, dịch chuyển mạnh sang nền tảng mua sắm trực tuyến. Đây là một phương thức tiềm năng mà các SME cần được hỗ trợ và thích ứng.

Nghiên cứu của IMF khẳng định, do các SME nắm giữ “chìa khóa” tạo ra việc làm, các chính phủ cần giúp họ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách phát triển và thực hiện các chiến lược quốc gia nhằm giải quyết những hạn chế về cung và cầu trong quá trình số hóa. Báo cáo đề xuất một số quy trình mà các chính phủ trong khu vực nên áp dụng, bao gồm ưu tiên loại bỏ các rào cản cạnh tranh và tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin và truyền thông để đảm bảo mở rộng khả năng tiếp cận Internet tốc độ cao giá cả phải chăng.

IMF cũng đề xuất các cải cách về giáo dục và thị trường lao động nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực kỹ thuật số. Bên cạnh đó, những thiếu sót trong lĩnh vực hậu cần thương mại điện tử cũng cần được giải quyết, bao gồm hệ thống địa chỉ thống nhất, mã vùng, dịch vụ bưu chính và thủ tục hải quan, giúp giảm sự chậm trễ trong giao hàng và tối ưu chi phí cho giao dịch trực tuyến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục