IMF dự báo đa số các nước tránh được nguy cơ suy thoái năm 2023

08:21' - 12/04/2023
BNEWS Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cho rằng đa số các nước sẽ tránh nguy cơ suy thoái trong năm nay

Ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cho rằng đa số các nước sẽ tránh nguy cơ suy thoái trong năm nay, dù giới chuyên gia đang lo ngại về bất ổn kinh tế và địa chính trị.

Theo báo cáo mới nhất của IMF về Triển vọng kinh tế thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ tăng 2,8% trong năm 2023 và 3% vào năm 2024, lần lượt giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra vào tháng 1 vừa qua.

Tăng trưởng kinh tế thế giới được điều chỉnh giảm, một phần do một số nền kinh tế lớn giảm tốc và khả năng nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát gia tăng.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 3% vào năm 2028, mức dự báo trung hạn thấp nhất kể từ đầu những năm 1990.

Kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng 1,6% vào năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nước này được dự báo sẽ chỉ đạt 1,1% trong năm 2024, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo cũ.

Dù tăng trưởng giảm tốc, đa số các nền kinh tế phát triển vẫn được dự báo tránh được nguy cơ suy thoái trong năm nay và năm tới.

Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khả năng sẽ tăng 0,8% trong năm 2023 và 1,4% trong năm 2024. Trong đó, Tây Ban Nha dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng kinh tế, với 1,5% vào năm nay và 2% vào năm tới. Tuy nhiên, kinh tế Đức dự kiến giảm 0,1% năm nay.

 

Trong báo cáo, IMF cảnh báo xung đột leo thang tại Ukraine có nguy cơ gây ra một đợt khủng hoảng năng lượng mới ở châu Âu và làm tăng rủi ro an ninh lương thực ở các quốc gia thu nhập thấp.

IMF cũng lưu ý mặc dù nguy cơ khủng hoảng khí đốt ở châu Âu vào mùa Đông 2022-2023 đã được ngăn chặn nhờ hoạt động nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nhu cầu thấp hơn vì mùa Đông ôn hòa, song trong tương lai vẫn tồn tại nguy cơ giá tăng đáng kể.

Cũng theo IMF, giá lương thực tăng do thỏa thuận ngũ cốc khả năng sẽ không được gia hạn làm tăng gánh nặng cho các nhà nhập khẩu, đặc biệt là những bên có năng lực tài chính hạn chế. IMF cảnh báo căng thẳng xã hội có thể gia tăng trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu tăng.

Trong khi đó, báo cáo cũng cho thấy bức tranh tích cực của các nền kinh tế đang nổi. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo đạt 5,2%, nhưng sẽ giảm xuống mức 4,5% vào năm 2024, do tác động của việc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 giảm dần.

Mặc dù dự báo giảm so với tháng 1 vừa qua, kinh tế của Ấn Độ khả năng sẽ tăng 5,9% trong năm nay và 6,3% vào năm tới, phần nào kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF dự báo kinh tế Nga sẽ tăng 0,7% trong năm nay, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, dù xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn.

Báo cáo của IMF dự kiến lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 7% trong năm 2023, thấp hơn so với mức 8,7% của năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đề ra, cho thấy các nhà hoạch định chính sách vẫn còn một chặng đường dài trước khi lạm phát được kiểm soát.

Theo nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas, các dự báo của IMF dựa trên giả định rằng bất ổn tài chính do vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (Mỹ) tháng trước đã được kiểm soát đáng kể nhờ hành động quyết liệt của các nhà chức trách ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ông nhận định các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách có vai trò quan trọng trong việc củng cố sự ổn định tài chính trong thời gian tới.

Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh các lãnh đạo hy vọng sẽ thúc đẩy chương trình cải cách và gây quỹ đầy tham vọng nhân dịp Hội nghị mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra trong tuần này. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ có thể bị phủ bóng bởi tình trạng lạm phát tăng cao, bất ổn tài chính và căng thẳng địa chính trị gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục