IMF nêu bật thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi trong năm 2025

08:52' - 17/02/2025
BNEWS Các hạn chế thương mại toàn cầu, nợ chính phủ và những chính sách bảo hộ là các trở ngại chính đối với tăng trưởng của những nền kinh tế mới nổi trong năm 2025.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh các hạn chế thương mại toàn cầu, nợ chính phủ và những chính sách bảo hộ là các trở ngại chính đối với tăng trưởng của những nền kinh tế mới nổi trong năm 2025.

 

Phát biểu tại Hội nghị các nền kinh tế thị trường mới nổi diễn ra tại thành phố AlUla của Saudi Arabia ngày 16/2, bà Georgieva cho rằng thương mại không còn là động lực tăng trưởng như trước đây, cụ thể là trong những năm 1990 và 2000 khi thương mại luôn ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Theo Tổng giám đốc IMF, lạm phát dự kiến sẽ đạt mức mục tiêu đối với các nền kinh tế tiên tiến nhưng không phải đối với những nền kinh tế mới nổi. Lạm phát toàn cầu dự kiến giảm dần từ 6,8% năm 2023 xuống còn 5,9% năm 2024 và 4,5% vào năm 2025.

Bà Georgieva nhấn mạnh các nền kinh tế mới nổi đóng góp khoảng 2/3 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng những nền kinh tế này sẽ phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp hơn, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến các cơn thủy triều địa kinh tế khó lường.

Bà Georgieva nhận định: "Các bạn phải vượt qua những cú sốc. Thương mại có thể đang tụt hậu so với tăng trưởng GDP". Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt 3,3% trong cả năm 2025 và 2026, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, thì mức dự báo này là thấp nhất trong nhiều thập niên.

Bà Georgieva cho rằng nợ cao, cùng với nguồn lực tài chính hạn chế và áp lực chi tiêu ngày càng lớn, đang tạo ra một mối đe dọa rất lớn. Bà cũng đề cập đến vai trò của các chính phủ trong việc tuyên truyền sự thay đổi này, trích dẫn những mục tiêu của chính quyền mới ở Mỹ trong việc thay đổi các chính sách về thương mại, chi phí thuế, nhập cư, tài sản kỹ thuật số và cách mạng công nghệ tiên tiến, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI).

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt một loạt mức thuế quan đối với các đối tác thương mại trên toàn thế giới. Gần đây nhất, ông Trump đã công bố mức thuế quan có đi có lại để đáp lại điều mà ông gọi là các hoạt động thương mại không công bằng.

Tổng giám đốc IMF lưu ý những loại hạn chế thương mại như vậy đang dẫn đến tăng trưởng năng suất thấp, cho rằng nếu các quốc gia thu hẹp 15% khoảng cách năng suất tổng thể với Mỹ, điều này sẽ tăng thêm 1,2 điểm phần trăm tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị các nền kinh tế thị trường mới nổi ở AlUla, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al Jadaan nêu bật vai trò của khu vực tư nhân trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế mới nổi và những nền kinh tế tiên tiến. ông Al Jadaan lưu ý nợ chính phủ đang đe dọa các thành tựu phát triển, đồng thời cho rằng việc chi tiêu hiệu quả trong mua sắm có thể tiết kiệm ít nhất 1.000 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia nói thêm các tổ chức tài chính quốc tế và những nhà cho vay khác có thể đã mắc một số sai lầm trong thiết kế chương trình và điều kiện, nhấn mạnh rằng điều này đã có tác động nghiêm trọng đến cả nền kinh tế và con người.

Ông Al Jadaan nêu rõ: "Con đường phía trước thực sự không dễ dàng để cải thiện nền kinh tế toàn cầu. Con đường phía trước nằm ở việc tìm kiếm và áp dụng các giải pháp mang lại lợi ích cho cả những nền kinh tế tiên tiến và mới nổi".

Hội nghị các nền kinh tế thị trường mới nổi, do IMF và Bộ Tài chính Saudi Arabia phối hợp tổ chức trong hai ngày 16-17/2 tại thành phố AlUla của Saudi Arabia, quy tụ các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính của những nền kinh tế mới nổi.

Hội nghị sẽ thảo luận những diễn biến kinh tế vĩ mô khu vực và toàn cầu, với một loạt chủ đề bao gồm thách thức chính sách, củng cố tài khóa và hạn chế nợ, khả năng chống chịu trong hệ thống tài chính, và đối phó với căng thẳng thương mại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục