Indonesia: Ba công ty viễn thông trong nước đấu thầu băng tần 5G

08:17' - 24/04/2021
BNEWS Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết ba công ty trong nước là PT Telekomunikasi Selular, PT XL Axiata và PT Smart Telecom sẽ tham gia đấu thầu băng tần 2,3 GHz dùng cho mạng 5G.

Ban đầu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được năm đơn đăng ký tham gia đấu thầu vào hạn cuối ngày 17/3. Tuy nhiên, hai nhà mạng khác là PT Indosat Ooredoo và PT Hutchison 3 Indonesia đã không nộp các tài liệu tiếp theo để đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Hồi cuối năm ngoái, bộ này đã chọn được ba nhà cung cấp song cuối cùng phải hủy thầu do vi phạm quy định.

Hồi tháng 8/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông báo mời thầu khai thác dải băng tần mới cho các dịch vụ băng rộng không dây, được chia thành 15 vùng bao phủ toàn bộ 34 tỉnh thành trên cả nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang soạn thảo lộ trình phát triển mạng Internet 5G tại Indonesia. Dự kiến, chương trình này sẽ được khởi động vào quý III tới.

Báo cáo di động của Ericsson ấn bản tháng 11/2020 cho thấy mạng 5G có thể giúp các công ty viễn thông Indonesia tăng doanh thu thêm 35%, tương đương 8,2 tỷ USD vào năm 2030.

Theo báo cáo này, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể thu được nhiều lợi ích nhất từ việc cung cấp các giải pháp B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp) dựa trên công nghệ 5G cho các công ty sản xuất, nhà cung cấp năng lượng và tiện ích, cũng như các công ty truyền thông và giải trí.

Trong khi đó, một dự án nghiên cứu mới đây do Quỹ nghiên cứu và liên kết công nghiệp thuộc Viện nghiên cứu công nghệ Bandung (LAPI-ITB) phối hợp với công ty viễn thông Axiata Group và Qualcomm International thực hiện cho thấy mạng 5G sẽ đóng góp 188 tỷ USD cho nền kinh tế Indonesia vào năm 2030, chiếm 9,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nghiên cứu trên cũng cho thấy 5G có thể tạo ra 4,4 triệu việc làm trong một thập niên tới.

Indonesia đang tìm cách đẩy nhanh việc phân bổ các băng tần, trong đó có dải tần 2.047 MHz dùng được cho cả mạng 4G và 5G vào năm 2024. Nước này cũng đã tiến hành ít nhất 10 cuộc thử nghiệm 5G trong giai đoạn từ năm 2017-2019.

Trước đó, hồi tháng 11/2020, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm 5G thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Denny Setiawan, cho hay Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức trong việc phân bổ các dải băng tần thấp và trung bình 700 MHz, 2,6 MHz và 3,5 MHz cần thiết cho mạng 5G vốn đang được các dịch vụ khác như truyền hình sử dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục