Indonesia: Cải thiện quy định đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng

05:30' - 16/05/2017
BNEWS Indonesia hiện đang tập trung đầu tư rất lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng để kích thích kinh tế trong nước phát triển đồng thời cụ thể hóa chiến lược “trục hàng hải” của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi).
Indonesia: Cải thiện quy định đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nếu chính phủ nước này không có các biện pháp kịp thời để can thiệp thì việc đầu tư tràn lan vào lĩnh vực này sẽ gây ra những rủi ro lớn đối với nền kinh tế.

Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Adelia Pratiwi – thuộc Trung tâm Chính sách kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính Indonesia với tựa đề: “Indonesia cần có các quy định cụ thể để đầu tư vào cơ sở hạ tầng”.

Theo bài viết, năm 2017 đánh dấu một năm mang tính đột phá cho việc đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Indonesia, trong đó có các cảng biển cũng như cảng hàng không, hệ thống đường sá. Tuy nhiên, việc mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này cũng đã cho thấy có những kẽ hở có thể tạo ra rủi ro đối với nền kinh tế mà điều này đòi hỏi Chính phủ Indonesia cần có cơ chế quản lý.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay đối với việc đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng ở Indonesia đó là tài trợ cho các dự án mới. Khả năng thanh toán của các dự án mới vẫn là một trong những lý do khiến các ngân hàng không mặn mà với việc đầu tư.

Do thách thức này, một số tổ chức tài chính trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng như Indonesia Infrastructure Guarantee Fund (IIGF) và Sarana Multi Infrastruktur (SMI) bị vượt quá khả năng cho vay vốn và gặp khó khăn trong việc đảm bảo các dự án có thể phát triển hiệu quả.

Ví dụ, kể từ khi được thành lập, chỉ một phần nhỏ trong số các dự án do IIGF xem xét có thể vượt qua quá trình đấu thầu và đi vào giai đoạn xây dựng.

Việc ngân hàng đẩy mạnh tài trợ cho các dự án mới cũng rất nguy hiểm. Do thực tế các ngân hàng không phải là người cho vay dài hạn nên nợ xấu của ngân hàng vào tháng 1/2017 đã tăng lên hơn 3%. Quá trình đảm bảo độ an toàn đối với vốn vay hiện được nghiên cứu kỹ lưỡng đối với các dự án mới.

Quá trình này cho phép các chủ dự án, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước có thể đảm bảo nguồn tài chính bằng cách tạo ra dòng tiền ổn định từ chính các tài sản cơ sở hạ tầng.

Vào đầu tháng 4 vừa qua, trong một cuộc hội thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Indonesia tuyên bố Tập đoàn điện lực quốc gia Indonesia (PLN) và nhà khai thác lưới điện quốc gia Jasa Marga đã cam kết sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ rupiah (750,58 triệu USD) vào một số dự án cơ sở hạ tầng có liên quan đến ngành này trong năm nay.

Số tiền này là tương đối lớn nếu đem so sánh với các dự án đầu tư trước đó, mỗi đợt đầu tư của tập đoàn này thường chỉ tăng lên đến 1.500 tỷ rupiah. Tuy nhiên, trong đợt này tập đoàn điện lực quốc gia Indonesia cũng như Jasa Marga đã có sự đầu tư mang tính đột phá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng quốc doanh Indonesia BTN cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây ngân hàng chỉ đầu tư tối đa là 111 tỷ rupiah cho mỗi dự án thì nay con số này đã lên đến 1.500 tỷ rupiah.

Để giải quyết bài toán về vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, các công ty đầu tư tư nhân nên được phép tham gia vào đầu tư trong giai đoạn đầu khi đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo độ an toàn.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chính phủ cần phải song song ban hành khung pháp lý đủ mạnh. Song loại hình đầu tư như vậy ở Indonesia được xem là đắt đỏ hơn so với nhiều nước trên thế giới và đắt hơn so với việc phát hành trái phiếu.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại cuộc gặp với các doanh nhân ở Hong Kong, Trung Quốc ngày 1/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Dự án đầu tư của Tập đoàn điện lực quốc gia Indonesia (PLN) có một loại tài sản đảm bảo cho việc đầu tư an toàn. Tài sản đó ở dạng thế chấp và có các tính năng về lãi suất, việc bồi thường cho các nhà đầu tư trong trường hợp này được tính chính là mức lãi suất đó.

Tài sản cơ bản của PLN chính là nguồn tiền trong tương lai khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động. Khoản bồi thường cho các nhà đầu tư tương đương với số tiền được “chiết khấu” là khoản chênh lệch giữa giá chứng khoán và số tiền thực tế nhận được.

Ví dụ, để đầu tư số tiền là 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới thì PLN sẽ nhận được khoảng 700 tỷ rupiah trong thời gian phát hành, số tiền chiết khấu được tính dựa trên lãi suất thị trường và giá trị các tài sản cơ bản.

Dự án đầu tư của PLN được thiết kế theo kiểu một hợp đồng đầu tư tập thể (CIC). Mặc dù việc cấp chứng khoán thế chấp hiện tại đã được quy định trong Quy chế số 1/2008 về tài trợ nhà ở thứ cấp, nhưng CIC chỉ được hỗ trợ bởi các quy định của BashapamLK về Quy chế Thị trường Indonesia.

Các quy định về thuế cũng cần phải rõ ràng hơn, trong khi các giải pháp khuyến khích đầu tư rộng rãi trong giai đoạn phát triển thị trường cũng cần sớm được xem xét. Hiện nay, căn cứ theo Quy chế Tài chính số 234 /PMK ban hành vào tháng 3/2009 quy định chỉ có quỹ hưu trí thuộc quản lý của Bộ Tài chính mới được miễn thuế đối với khoản hoàn vốn đầu tư.

Một vấn đề khác là chính sách phân bổ đầu tư tối thiểu - chính sách được thực hiện ở Malaysia và gần đây ở Indonesia liên quan đến thị trường trái phiếu chính phủ. Những loại ưu đãi như vậy là cần thiết và về lâu dài, việc thiết lập luật về chứng khoán hoá, về tổ chức tài chính chuyên dụng cho vấn đề cổ phần hóa tài sản cơ sở hạ tầng sẽ là cách hiệu quả cho thị trường này.

>>> Indonesia phủ nhận thông tin “đóng băng” đàm phán CEPA với EU

>>> Indonesia phát triển kinh tế với những mục tiêu đầy tham vọng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục