Indonesia cân nhắc sáp nhập các ngân hàng Hồi giáo

08:20' - 12/08/2020
BNEWS Indonesia đang cân nhắc hợp nhất một số ngân hàng Hồi giáo thuộc sở hữu nhà nước nhằm gia tăng vị thế và nâng cao xếp hạng toàn cầu của các ngân hàng này.

Hiện ba ngân hàng Hồi giáo thuộc sở hữu nhà nước đang đàm phán sáp nhập, gồm PT Bank BRI Syariah - công ty con của ngân hàng Bank BRI; PT Bank Syariah Mandiri - công ty con thuộc ngân hàng Bank Mandiri; và PT Bank BNI Syariah - công ty con của ngân hàng Bank BNI.

Phó Tổng thống Ma'ruf – nguyên Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia (MUI) - bày tỏ hy vọng rằng việc sáp nhập các ngân hàng Hồi giáo cũng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và tăng tốc phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo do hãng tin Media Indonesia tổ chức hôm 6/8, ông Ma'ruf cho hay ba ngân hàng trên đã tiến hành đàm phán nhằm củng cố các ngân hàng Hồi giáo vì Indonesia vẫn chưa có ngân hàng Hồi giáo nào đứng trong top 20 thế giới.

Ông Ma'ruf cũng hy vọng việc thành lập một ngân hàng Hồi giáo lớn có thể hỗ trợ cho lợi ích quốc gia ở cả trong và ngoài nước.

Hồi đầu tháng Bảy, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir đã công bố kế hoạch chi tiết sáp nhập các ngân hàng Hồi giáo vào tháng 2/2021 nhằm cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho các khách hàng vốn tìm kiếm các nguồn vốn tuân thủ luật Hồi giáo Sharia.

Tuy nhiên, vào cuối tháng Bảy vừa qua, Phó Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK), ông Teguh Supangkat cho biết Bộ trưởng Erick Thohir vẫn chưa thảo luận sâu về kế hoạch sáp nhập với ngân hàng này.

Cũng theo Phó Tổng thống Ma'ruf, Chính phủ sẽ cải tổ ngành công nghiệp halal của đất nước và các dịch vụ tài chính Hồi giáo khác nhằm hỗ trợ mục tiêu biến Indonesia thành trung tâm của nền kinh tế Hồi giáo toàn cầu.

Ông Ma'ruf lưu ý rằng mặc dù Indonesia đã trở thành bên tham chiếu trong việc chứng nhận các sản phẩm halal, các sản phẩm halal sản xuất trong nước vẫn còn tụt hậu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Nhà lãnh đạo này cũng cho rằng việc tối đa hóa các dịch vụ quỹ xã hội Hồi giáo, như zakat và waqf, cũng có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Theo ông Ma'ruf, Indonesia hiện đang dẫn đầu thế giới về phát hành sukuk toàn cầu (trái phiếu tuân thủ Luật Hồi giáo Sharia), vượt qua các đối thủ mạnh khác như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Malaysia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục