Indonesia chi gấp đôi ngân sách cho các dự án thâm dụng lao động

08:43' - 18/03/2021
BNEWS Trong tổng số 23.240 tỷ rupiah được phân bổ, 7.150 tỷ rupiah sẽ được giải ngân cho các chương trình tài nguyên nước thông qua 8 dự án, dự kiến sẽ thu hút 386.159 lao động.

Theo Bộ trưởng Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia (PUPR), ông Basuki Hadimuljono, ngân sách năm nay dành cho các dự án thâm dụng lao động đã được nâng lên 23.240 tỷ rupiah (1,61 tỷ USD) từ mức 12.180 tỷ rupiah.

Ngày 17/3, phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban V thuộc Hạ viện, Bộ trưởng Hadimuljono cho biết PUPR đã tái điều chỉnh kế hoạch ngân sách năm 2021 để tập trung cho 20 dự án dự kiến thu hút 1,23 triệu lao động.

Ông Hadimuljono cho hay việc tăng ngân sách cho các dự án sử dụng nhiều lao động nói trên nhằm thực hiện kỳ vọng của Tổng thống Joko Widodo.

Trong tổng số 23.240 tỷ rupiah được phân bổ, 7.150 tỷ rupiah sẽ được giải ngân cho các chương trình tài nguyên nước thông qua 8 dự án, dự kiến sẽ thu hút 386.159 lao động. Khoảng 6.690 tỷ rupiah được chi cho 5 dự án xây dựng cầu đường, dự kiến thu hút 273.603 lao động.

Trong khi đó, 5.290 tỷ rupiah sẽ được phân bổ cho lĩnh vực nhà ở với 8 dự án dự kiến thu hút 194.471 lao động. Khoảng 4.110 tỷ rupiah còn lại sẽ được phân bổ cho các dự án còn lại với tổng số lao động được sử dụng lên tới 378.460 người.

Trước đó hôm 20/1, phát biểu tại Diễn đàn Chính sách đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng, Tổng Cục trưởng Tài chính và Quản lý rủi ro thuộc Bộ Tài chính Indonesia, ông Luky Alfirman cho biết, Bộ này sẽ phân bổ 27.580 tỷ rupiah, tương đương với 1,97 tỷ USD, từ quỹ State Sharia Securities (SBSN) để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho 870 dự án thuộc 11 bộ, ngành và 34 tỉnh thành trong năm 2021.

Khoản kinh phí lớn nhất sẽ được phân bổ cho lĩnh vực giao thông vận tải do PUPR và Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhằm tăng cường kết nối và hỗ trợ phát triển logistics. Theo ông Alfirman, kết quả giải ngân từ SBSN năm 2020 đạt 23.290 tỷ rupiah, tương đương 90,96% mức trần phân bổ./.

>>Indonesia giảm nhập khẩu, tăng sản xuất sắt thép

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục