Indonesia cho phép Tổng công ty IDIC giám sát các ngân hàng

13:50' - 11/07/2020
BNEWS Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa ban hành các quy định mới cho phép IDIC xử lý các vấn đề liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính, trong đó có việc giám sát các ngân hàng thiếu tiền mặt.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa ban hành các quy định mới cho phép Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Indonesia (IDIC) xử lý các vấn đề liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính, trong đó có việc giám sát các ngân hàng thiếu tiền mặt. 

Theo Nghị định số 33/2020 của Chính phủ được Tổng thống Widodo ký ban hành hôm 7/7, IDIC được phép hỗ trợ Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) giám sát các ngân hàng được FSA liệt vào danh sách cần giám sát chuyên sâu. Mặt khác, IDIC được phép bơm tiền vào các ngân hàng này nhằm giúp xử lý vấn đề thanh khoản hoặc khả năng thanh toán trong quá trình phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tổng số tiền mà IDIC được phép bơm vào các ngân hàng thuộc diện trên không được vượt quá 30% tổng tài sản của cơ quan này. Số tiền mà IDIC bơm vào mỗi ngân hàng cũng không được vượt quá 2,5% tổng tài sản của các tổ chức này, trong khi thời gian mỗi lần bơm vốn không được quá một tháng và có thể được gia hạn nhiều nhất là năm lần.

Nghị định số 33/2020 cũng cho phép IDIC huy động tiền mặt thông qua một số phương tiện, trong đó có việc sử dụng trái phiếu chính phủ mà cơ quan này đang nắm giữ trong các giao dịch mua lại với Ngân hàng trung ương (BI), bán trái phiếu đó cho BI, phát hành trái phiếu riêng bằng đồng rupiah hoặc ngoại tệ và nếu cần thiết có thể vay vốn từ chính phủ.

Trước khi diễn ra đại dịch COVID-19, sứ mệnh chính của IDIC là bảo hiểm tiền gửi của các khách hàng, thanh lý hoặc giải cứu các ngân hàng. IDIC thu phí từ các ngân hàng thương mại từ các dịch vụ của mình. Song vào đầu tháng này, Tổng thống Widodo đã quyết định điều chuyển chức năng điều tiết, quản lý lĩnh vực ngân hàng về lại BI.

FSA đã nới lỏng các quy định về tái cơ cấu các khoản vay trong một động thái nhằm ngăn chặn việc các ngân hàng phải trích dự phòng lớn cho các khoản nợ xấu và giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức tương đối thấp, ở mức 3,01% trong tháng 5/2020. Theo số liệu của FSA, tính đến ngày 29/6, các ngân hàng Indonesia đã tái cơ cấu các khoản vay với tổng trị giá 740.800 tỷ rupiah (52,16 tỷ USD) cho 6,56 triệu khách hàng.

Theo quy định số 11/2020 do FSA ban hành vào tháng Ba, các khoản vay có thể được tái cơ cấu bằng cách giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ, giảm nợ gốc và lãi, chuyển đổi nợ thành cổ phần tạm thời. Trong phiên điều trần trước Hạ viện vào tháng trước, Chủ tịch FSA, ông Wimboh Santoso cho biết 7,8 triệu khách hàng với tổng số nợ lên tới 1,11 triệu tỷ rupiah có thể được thụ hưởng từ chương trình tái cơ cấu tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục