Indonesia đạt thặng dư thương mại cao nhất lịch sử

16:53' - 18/05/2022
BNEWS Thặng dư thương mại của Indonesia đạt mức cao kỷ lục vào tháng Tư, vượt mức đỉnh trước đó vào tháng 10/2021, trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao đã giúp đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, thặng dư thương mại của Indonesia đạt mức cao kỷ lục vào tháng Tư, vượt mức đỉnh trước đó vào tháng 10/2021, trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao đã giúp đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngày 17/5, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết nước này đã đạt thặng dư tháng thứ 24 liên tiếp trong tháng Tư, tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 7,56 tỷ USD và tăng 66% so với tháng Ba trước đó.

 

Phát biểu họp báo, người đứng đầu BPS Margo Yuwono cho biết thặng dư thương mại của Indonesia từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022 đạt 16,89 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2017.

Các nhà kinh tế dự báo Indonesia sẽ thu lợi từ sự gia tăng giá cả hàng hóa toàn cầu do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga, trong bối cảnh nguồn thu từ xuất khẩu dầu cọ thô (CPO), than đá và quặng kim loại cao hơn phần nhập khẩu tăng thêm, chủ yếu là dầu thô.

Số liệu của BPS cho thấy giá than đá đạt 302 USD/tấn, trong khi giá CPO tăng 56,09% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 1682,7 USD/tấn. Xuất khẩu tháng Tư của Indonesia đã tăng 47,76% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 27,32 tỷ USD.

Ngành khai khoáng có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ lên mức 6,41 tỷ USD.

Than đá và quặng sắt dẫn đầu đà tăng xuất khẩu của lĩnh vực khai khoáng. Xuất khẩu dầu và khí đốt đứng thứ ba với mức tăng 48,39% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,43 tỷ USD. Sau khai khoáng là ngành sản xuất (+27,92%, 19 tỷ USD) và nông nghiệp (+15,89%, 0,39 tỷ USD).

BPS lưu ý xuất khẩu CPO đã sụt giảm 78,6 triệu USD so với tháng trước, sau lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này và các sản phẩm phái sinh của Chính phủ nước này vào ngày 27/4 nhằm đưa giá dầu ăn trong nước xuống 14.000 Rupiah/lít.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 19 tỷ USD trong tháng Tư, trong đó đứng đầu là nguyên liệu thô (+25,51%, 15,54 tỷ USD) trong bối cảnh nhiều nhà máy và doanh nghiệp tăng cường hoạt động sau khi các biện pháp phòng chống COVID-19 được nới lỏng.

Theo BPS, Trung Quốc vẫn là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Indonesia với kim ngạch đạt 5,49 tỷ USD, chiếm 21,21% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đó là Mỹ và Nhật Bản với lần lượt kim ngạch là 2,46 tỷ USD và 2,24 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Mandiri, thặng dư thương mại tháng Tư đã giúp chuyển trạng thái cán cân vãng lai của Indonesia từ mức thâm hụt 2,15% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP).

Các nhà phân tích cũng cho rằng thặng dư thương mại của Indonesia có thể sẽ thu hẹp trong những tháng tới do nhập khẩu tăng nhanh trong bối cảnh sản xuất phục hồi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục