Indonesia chuẩn bị các “bộ đệm” chống lạm phát

17:17' - 15/05/2022
BNEWS Theo tờ Jakarta Post, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị ngân sách cho các “bộ đệm” chống lạm phát nhằm duy trì sức mua trong nước và giữ đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Ngày 13/5, ông Febrio Kacaribu, Giám đốc Cơ quan Chính sách Tài khóa (BKF) thuộc Bộ Tài chính, cho biết chính phủ sẽ tăng chi tiêu trợ cấp năng lượng trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu và nhu cầu trong nước gia tăng.

Ông Febrio cho hay: “Trước đây, trọng tâm ngân sách của chúng tôi là duy trì sức khỏe của người dân, song khi tình hình đại dịch đã được cải thiện nhiều, chúng tôi chuyển hướng ưu tiên để duy trì sức mua của người dân”.

 

Trước đây, ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung tài trợ cho các chương trình cứu trợ COVID-19 như hỗ trợ các nhân viên y tế, bồi thường cho các ca tử vong, mua sắm vaccine, tài trợ cho các bệnh viện và cơ sở y tế.
Sự thay đổi về ưu tiên ngân sách diễn ra trong bối cảnh Indonesia đối mặt với sức ép lạm phát trong vài tháng qua do giá hàng hóa toàn cầu tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng 3,47% vào tháng Tư, mức cao nhất trong 33 tháng qua và cao hơn nhiều so với mức 2,64% trong tháng trước đó. Các con số vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu lạm phát 2-4% của Ngân hàng trung ương Indonesia.
Các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ lạm phát cao có thể làm "trật bánh" kế hoạch tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5-5,5% trong năm nay do giá cả tăng cao sẽ buộc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Để giúp người dân ứng phó với lạm phát, Chính phủ Indonesia đã trợ cấp tiền lương cho 8,8 triệu người lao động thu nhập thấp, hỗ trợ tiền mặt cho 12 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), hỗ trợ tiền mua dầu ăn cho 23 triệu gia đình và doanh nghiệp nhỏ.
Ông Febrio khẳng định rằng ưu tiên của chính phủ là duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời cho rằng lạm phát có thể được kiểm soát nếu chính phủ ổn định được giá gạo – yếu tố đóng góp lớn nhất trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với 3,33%.
Ông Febrio cũng tiết lộ rằng chính phủ sẽ đẩy nhanh giải ngân gói ngân sách phục hồi kinh tế quốc gia (PEN), với mức thực hiện đạt 70.370 tỷ rupiah (4 tỷ USD), tương đương 15% ngân sách được phân bổ tính đến ngày 28/4.
Hỗ trợ an sinh xã hội đứng đầu trong số các danh mục chi tiêu của PEN với 49.270 tỷ rupiah (đã giải ngân 31%), tiếp đó là hỗ trợ chăm sóc y tế với 11.870 tỷ rupiah và phục hồi kinh tế với 9.220 tỷ rupiah.
Ông Febrio thừa nhận rằng nỗ lực cải cách ngân sách nhà nước để nâng cao sức mua trong nước đồng thời giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng luật định 3% GDP vào năm 2023 là một thách thức.
Tuy nhiên, giá than đá và dầu cọ thô (CPO) tăng cao được coi là “cứu cánh” cho ngân sách nhà nước. Trong quý I/2022, giá cả các mặt hàng xuất khẩu này tăng cao đã giúp ngân sách thặng dư 10.300 tỷ rupiah.
Về phần mình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp (CELIOS) Bhima Yudhistira cho rằng chính phủ nên phân bổ nguồn thu ngân sách từ thuế và phi thuế (PNPB) xuất khẩu cho các chương trình an sinh xã hội, đồng thời điều chuyển ngân sách cơ sở hạ tầng sang ngân sách bảo trợ xã hội và trợ cấp năng lượng.
Theo ông Bhima, tổng chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng lên tới 365.800 tỷ rupiah vào năm 2022. Nếu điều chuyển 30%, tương đương 109.700 tỷ rupiah, phần ngân sách này có thể giúp duy trì giá nhiên liệu và khí hóa lỏng (LPG) được nhà nước trợ giá tới năm 2022.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đánh tín hiệu về kế hoạch tăng giá xăng Pertalite (Ron 90) và LPG loại bình 3 kg được nhà nước trợ giá nhằm giảm thiểu căng thẳng tài chính cho công ty dầu khí nhà nước Pertamina./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục