Indonesia kiểm soát chặt việc nhập khẩu ô tô hạng sang

11:15' - 06/09/2018
BNEWS Thông qua các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, nhất là đối với các ô tô hạng sang, Bộ Công nghiệp Indonesia đã đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 700 triệu USD tiền nhập khẩu ô tô năm 2018.

Năm 2017, nhập khẩu ô tô của Indonesia đạt khoảng 3,3 tỷ USD năm 2017.

Ông Putu Juli Ardika, Giám đốc Cơ quan Hàng hải, Vận tải và Thiết bị Quốc phòng thuộc Bộ Công nghiệp, cho biết mục tiêu giảm hóa đơn nhập khẩu là kết quả từ chính sách của chính phủ trong việc tạm dừng nhập khẩu loại xe trên 3000 cc kể từ hai tháng qua, khi đồng rupiah bắt đầu suy yếu.

Quyết định ngừng nhập khẩu ô tô hạng sang là nhằm mục đích duy trì cán cân thương mại của đất nước. Đây không phải là hàng hóa thiết yếu vì vẫn có các loại xe sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, Bộ Công nghiệp sẽ tiếp tục xem xét giấy phép nhập khẩu đã được đệ trình. Việc nhập khẩu có thể được tiếp tục sau một số cân nhắc, bao gồm cả thỏa thuận với nhà sản xuất nhằm tăng xuất khẩu và mở rộng kinh doanh.

Ông Putu Juli Ardika cho biết thêm việc nhập khẩu các loại xe dưới 3000 cc cũng được kiểm soát và xem xét xếp vào loại xe áp dụng biện pháp kiểm soát nhập khẩu.

Trong một thông tin có liên quan, để giảm sức ép của tình trạng đồng nội tệ mất giá so với USD, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo ngày 5/9 cho biết nước này đã chi tổng cộng 11.900 tỷ rupiah (gần 797 triệu USD) thông qua một số giao dịch thị trường.

Các giao dịch trên được thực hiện bởi cơ chế mua lại các loại tiền của Indonesia (SBN) mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ra trong những ngày qua.

Hoạt động mua lại đã được thực hiện với 3.000 tỷ rupiah (trên 200 triệu USD) vào ngày 30/8, 4.100 tỷ rupiah (274 triệu USD) vào ngày 31/8, 3.000 tỷ rupiah vào ngày 3/9 và 1.800 tỷ rupiah vào ngày 4/9. Phát biểu trước các nghị sĩ quốc hội, Thống đốc BI Perry cho biết mục đích của các giao dịch này là bình ổn thị trường ngoại hối.

Đồng rupiah đang phải đối mặt với tình huống khó khăn, khi giá trị hối đoái của đồng tiền này giảm mạnh so với USD (15.000 rupiah đổi 1 USD).

Thống đốc Perry cho biết sự "lao dốc" của đồng nội tệ xuất phát từ các nhân tố bên ngoài, trong đó có triển vọng tăng trưởng kém khả quan của kinh tế thế giới, cộng với căng thẳng thương mại gia tăng trên toàn cầu.

>>>Indonesia phá hủy và đánh đắm 125 tàu khai thác thủy sản trái phép

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục