Indonesia lo thiếu nguồn tài chính khi triển khai chính phủ điện tử

12:05' - 10/03/2023
BNEWS Dân số Indonesia đang tăng lên và nhiều cơ quan chính phủ ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu NIK, trong khi ngân sách dành cho đăng ký dân sự tiếp tục giảm.
Indonesia sẽ nâng cấp trung tâm dữ liệu đăng ký thông tin công dân, tạo nền tảng để thúc đẩy chính phủ điện tử dựa trên số ID quốc gia hoặc được gọi là NIK. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính phủ điện tử gặp nhiều khó khăn như thiếu hụt nguồn tài chính để nâng cấp hệ thống.

Phát biểu tại Hội nghị chống tham nhũng ngày 9/3 tại Jakarta, ông Tito, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Indonesia cho biết, cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Cơ quan đăng ký dân sự vẫn áp dụng chương trình hoạt động từ năm 2013. Trong khi đó, tình hình hiện nay đã thay đổi, khiến nhu cầu về dữ liệu NIK tăng lên, cùng với dân số ngày càng tăng, đòi hỏi nâng cấp trung tâm dữ liệu cũng tăng theo.

 
Ông Tito cho rằng, Indonesia cần một băng thông mạnh mẽ, đủ dung lượng lưu trữ và máy chủ, cũng như một hệ thống an toàn cho chính phủ điện tử.

Quá trình số hóa dữ liệu dân cư là yêu cầu cần thiết, nhưng việc triển khai thời gian qua gặp nhiều khó khăn như cần đội ngũ chuyên viên có trình độ, kinh nghiệm, đặc biệt nguồn kinh phí triển khai dự án còn hạn chế.

Ông Tito cho rằng dân số Indonesia đang tăng lên và nhiều cơ quan chính phủ ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu NIK, trong khi ngân sách dành cho đăng ký dân sự tiếp tục giảm.

NIK là số sê-ri duy nhất ở trên cùng của chứng minh nhân dân. Bộ Tài chính là một trong nhiều cơ quan chính phủ đang sử dụng dữ liệu số ID. Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu đề án cấp mã số duy nhất cho người nộp thuế. Đến năm 2024, NIK sẽ thay thế hoàn toàn thẻ nhận dạng thuế.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy Tổng cục đăng ký dân sự có ngân sách 619,7 tỷ rupiah (40,1 triệu USD) trong năm nay, cao hơn con số năm 2022 là 603,7 tỷ rupiah. Từ năm 2015 đến năm 2023, ngân sách cao nhất vào năm 2017, đạt 969 tỷ rupiah. Kể từ đó, ngân sách bắt đầu giảm và chỉ tăng vào năm 2023.

Tuy nhiên, dân số liên tục tăng. Vào năm 2023, dân số Indonesia vào khoảng 277,7 triệu người, tăng từ 275 triệu người vào năm 2022.

Cũng theo ông Tito, việc áp dụng hệ thống từ năm 2013 sẽ có nhiều bất cập, hệ thống băng thông thấp và trung tâm dữ liệu lỗi thời có thể làm chậm hệ thống. Ông muốn đảm bảo rằng không có sự cố hệ thống nào nếu được sử dụng làm xương sống của chính phủ điện tử.

Chính phủ đã báo cáo 2,9 tỷ lượt truy cập vào dữ liệu NIK vào năm ngoái. Chính quyền khu vực sử dụng dữ liệu NIK nhiều nhất, tiếp theo là các dịch vụ thanh toán và tổ chức ngân hàng. Năm 2022, cơ quan đăng ký hộ tịch ghi nhận 199,78 triệu chứng minh nhân dân điện tử được gắn microchip./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục