Indonesia siết chặt kiểm soát các sàn giao dịch tiền điện tử

07:21' - 22/09/2022
BNEWS Bộ Thương mại Indonesia sẽ ra quy định mới nhằm quản lý các sàn giao dịch tài sản tiền điện tử, yêu cầu 2/3 ban giám đốc và ủy viên là công dân Indonesia và cư trú tại quốc gia này.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ Thương mại Indonesia có kế hoạch ban hành một quy định mới nhằm quản lý các sàn giao dịch tài sản tiền điện tử, yêu cầu 2/3 ban giám đốc và ủy viên là công dân Indonesia và cư trú tại quốc gia này.

Biện pháp trên được đưa ra sau khi xuất hiện các vấn đề với Zipmex - sàn giao dịch tiền điện tử tập trung vào thị trường Đông Nam Á - khiến người dùng tạm thời không thể rút được tiền.

Ngày 20/9, phát biểu với các phóng viên sau phiên điều trần trước Quốc hội, Thứ trưởng Thương mại Jerry Sambuaga cho biết chính phủ không muốn cấp giấy phép cho các sàn giao dịch một cách bất cẩn và chỉ cấp cho các sàn đáp ứng các yêu cầu và đáng tin cậy.

Theo ông Jerry Sambuaga, Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (Bappebti) thuộc Bộ Thương mại sẽ sớm ban hành quy định mới, trong đó yêu cầu các sàn giao dịch phải sử dụng bên thứ 3 để lưu giữ tiền của khách hàng và cấm các sàn tái đầu tư vào các tài sản tiền điện tử được lưu giữ.

Phát biểu tại phiên điều trần, người đứng đầu Bappebti, ông Didid Noordiatmoko cho biết việc yêu cầu đảm bảo 2/3 thành viên hội đồng quản trị là công dân Indonesia và cư trú tại trong nước “có thể ngăn ban lãnh đạo cao nhất bỏ trốn khi có vấn đề xảy ra với sàn giao dịch”.

Về kế hoạch khai trương sàn giao dịch tài sản tiền điện tử ở Indonesia vốn bị trì hoãn từ năm ngoái, ông Sambuaga cho biết kế hoạch này được kỳ vọng sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Mức độ quan tâm tới các loại tài sản kỹ thuật số đã tăng mạnh tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19. Số lượng người nắm giữ tài sản tiền điện tử tại quốc gia này đã đạt 11 triệu người vào cuối năm 2021, trong khi tổng khối lượng giao dịch tăng hơn 1.000% lên mức 859.400 tỷ rupiah (57,37 tỷ USD).

Từ ngày 1/5/2022, Indonesia bắt đầu áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các giao dịch tài sản tiền điện tử và thuế thu nhập đối với phần lãi từ các khoản đầu tư tiền điện tử ở mức 0,1% mỗi loại.

Hồi giữa tháng 8, Cố vấn đặc biệt về thuế của Bộ trưởng Tài chính, ông Yon Arsal cho biết hiện nước này thu gần 100 tỷ rupiah mỗi tháng kể từ khi bắt đầu áp thuế giao dịch tiền điện tử và fintech./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục