Indonesia tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho than đá, dầu cọ

07:51' - 13/01/2023
BNEWS Indonesia tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu than đá và dầu cọ trong năm 2023 do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế phát triển.

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho biết quốc gia này sẽ tìm cách mở rộng xuất khẩu sang châu Phi, Nam Á và Trung Đông.

Than đá và dầu cọ thô (CPO) là những mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia, chiếm 18,77% và 12,14% tổng kim ngạch xuất khẩu từ tháng 1-11/2022 theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS).

 

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng chủ chốt trên gia tăng mạnh mẽ, qua đó mang lại thặng dư thương mại và tăng trưởng kinh tế cao cho Indonesia trong suốt cả năm qua.

Trong bài phát biểu quan trọng mới đây về triển vọng năm 2023, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan nhấn mạnh: “Các thỏa thuận thương mại là "con đường cao tốc" để duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong thời kỳ khó khăn”.

Chính phủ dự báo xuất khẩu sẽ sụt giảm trong bối cảnh 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu được dự báo sẽ rơi vào tình trạng giảm phát trong năm nay. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ước tính rằng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái.

Ông Zulkifli cho hay Indonesia sẽ dựa vào thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với các nước - chẳng hạn như với Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) - để gia tăng xuất khẩu. Ông Zulkifli cũng mong muốn các doanh nghiệp không chỉ tăng cường thương mại hàng hóa và dịch vụ với Hàn Quốc, mà còn tiếp cận tốt hơn để thâm nhập thị trường Hàn Quốc và hợp tác để nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là trong sản xuất, nông nghiệp, lâm nghiệp và tài nguyên biển.

Số liệu của Bộ Thương mại cho thấy Hàn Quốc đã loại bỏ 11.267 dòng thuế quan theo thỏa thuận CEPA, chiếm 95,5% dòng thuế, đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Indonesia, trong đó có xe đạp, xe máy, phụ tùng ô tô và các sản phẩm dệt may.

Ông Zulkifli tiết lộ rằng thỏa thuận CEPA với UAE hiện đang chờ phê chuẩn tại Hạ viện, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các nhà lập pháp sẽ sớm phê chuẩn thỏa thuận này trong hai tháng tới để giúp đẩy nhanh các nỗ lực mở cửa thị trường mới. Ông Zulkifli ước tính rằng một khi CEPA với UAE có hiệu lực, xuất khẩu của Indonesia sang Trung Đông, Trung Á và Nam Á sẽ tăng 53,9% trong 10 năm tới do vị trí trung tâm của quốc gia Arập này.

Ngoài 2 hiệp định thương mại trên, ông Zulkifli cho biết Ấn Độ đang nhận được “sự quan tâm đặc biệt” của ông do vị thế là đối tác thương mại chính của Indonesia. Xuất khẩu phi dầu mỏ và khí đốt sang thị trường này đã tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng 1-11/ 2022.

Ngày 20/12 vừa qua, người đứng đầu Cơ quan Chính sách Thương mại Kasan Muhri cho biết chính phủ đặt mục tiêu thặng dư thương mại 38,3-38,5 tỷ USD trong năm 2023, cao hơn mục tiêu 31,7 tỷ USD của năm ngoái.

Theo ông Kassan, động lực tăng trưởng thương mại của Indonesia sẽ phụ thuộc phần lớn vào các tình huống sắp tới, bao gồm tình hình kinh tế tại các điểm đến xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục