IPO Lọc hoá dầu Bình Sơn: Hấp dẫn nhưng "kén" nhà đầu tư

16:52' - 11/05/2017
BNEWS Việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của BRS - đơn vị đang vận hành, quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào quý III/2017 tới đây đang được nhìn nhận là thương vụ hấp dẫn nhưng “kén” nhà đầu tư.

Có nhiều lợi thế

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa phát hành thư mời mua cổ phần gửi đến 15 Quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên, việc cổ phần hoá BSR vào thời điểm này là thuận lợi bởi BSR đang có nhiều lợi thế nhất định.

Cổ phần hoá BSR vào thời điểm này là thuận lợi. Ảnh: nangluongvietnam.vn

Kể từ ngày 1/1/2017, BSR đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động theo cơ chế tự chủ (Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 3.9.2016). Theo đó, Công ty được cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu quốc tế, trên cơ sở được bán sản phẩm theo giá thị trường, nhà nước không thu điều tiết và cũng không cấp bù cho BSR như trước đây.

Vì vậy, BSR không chỉ có điều kiện tốt nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm mà còn giúp minh bạch hóa các hoạt động, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, ông Nguyên khẳng định.

Cũng nhờ cơ chế tự chủ này mà sản phẩm xăng dầu Dung Quất đã có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu do chi phí vận chuyển và bảo hiểm rẻ hơn. Đặc biệt, các công ty phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam được dùng nội tệ thanh toán thay vì phải trả đôla Mỹ như mua hàng nhập khẩu nên không gặp phải rủi ro khi có sự biến động về tỷ giá.

Doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng được hưởng lợi thế 30 ngày cho thời gian nộp thuế so với việc phải trả ngay thuế khi mua sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, việc rút ngắn được thời gian giao hàng, vận chuyển hàng về kho khi mua xăng dầu Dung Quất cũng sẽ giúp doanh nghiệp phân phối hạn chế được rủi ro khi giá xăng dầu thế giới giảm.

Ông Nguyên cho biết, hiện dự án dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể, đang chuẩn bị lựa chọn nhà thầu EPC.

Tính đến hết tháng 4/2017, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 98% và theo kế hoạch tỉnh Quảng Ngãi sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho BSR triển khai dự án vào ngày 30/6 tới đây.

Sau khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2021, công suất lọc dầu Dung Quất sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm hiện nay lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng tới 60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Đặc biệt, với công nghệ cho dự án có thể chế biến tới 300 loại dầu thô so với 15 loại như hiện nay. Như vậy, giá sản phẩm Dung Quất sẽ rất cạnh tranh nhờ sử dụng được rộng rãi nguồn dầu thô giá rẻ trong và ngoài nước.

Nhưng “kén” nhà đầu tư

BSR cho biết, Công ty đã hoàn thành kiểm toán nhà nước về giá trị doanh nghiệp và trình cấp thẩm quyền phê duyệt để công bố giá trị doanh nghiệp trong tháng 5 này. Công ty cũng đã hoàn thành việc lập phương án cổ phần hoá, trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đồng thời xúc tiến các hoạt động liên quan đến tìm kiếm đối tác mua cổ phần, nhà đầu tư chiến lược.

Theo nhiều chuyên gia, hiện Lọc dầu Dung Quất vẫn chỉ chủ yếu làm lọc dầu, còn khâu tiếp theo là hoá dầu thì vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Vì vậy, với mục tiêu tăng sản lượng xăng dầu thành phẩm và cho ra những sản phẩm hoá dầu đa dạng khi triển khai dự án nâng cấp mở rộng, BSR sẽ phải tìm nhà đầu tư không chỉ tiềm lực tài chính mà còn phải giàu kinh nghiệm, mạnh về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.

Thực tế là ngay từ năm 2010 khi Chính phủ có chủ trương cổ phần hoá Công ty Lọc Hoá dầu Bình Sơn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Venezuela, Nga đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào BSR.

BSR không chỉ có điều kiện tốt nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Lọc hóa dầu Bình Sơn

Thậm chí, thương vụ chuyển nhượng 49% cổ phần góp của PVN tại BSR cho Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) của Nga tưởng như đã xong thì đầu năm 2016 nhà đầu tư ngoại này đã gửi thư chính thức dừng việc đàm phán chuyển nhượng sau khi không đạt được những kiến nghị về cơ chế ưu đãi đầu tư vào BSR.

Tại Hội thảo mới đây của BSR chuẩn bị cho IPO, ông Phạm Đình Thưởng - Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cũng cho biết, BSR phải cơ cấu lại những yếu tố để có thể IPO như: quyền và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu, người đại diện phần vốn nhà nước, giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, người quản lý doanh nghiệp cần hiểu rõ quản trị công ty cổ phần phải tuân thủ các quy định khác với công ty TNHH Một thành viên về chiến lược quản trị, kinh doanh, đầu tư, tài chính.

Trong trả lời báo chí cuối năm 2016, Chủ tịch BSR Nguyễn Hoài Giang cho hay BSR sẽ phải thay đổi chiến lược tìm kiếm đối tác theo hướng đa dạng hoá nhà đầu tư.

Theo đó, BSR sẽ không chỉ nhắm vào các công ty dầu khí nước ngoài có tiềm lực mà sẽ phải tìm cả các doanh nghiệp mạnh trong nước như ngân hàng.

Kể từ khi chính thức vận hành thương mại vào ngày 1/6/2010 đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 35% nhu cầu sản lượng xăng dầu trong nước và nộp ngân sách Nhà nước tương đương 7 tỷ USD. Trong hai năm 2015 và 2016, tổng lợi nhuận của BSR đạt gần 500 triệu USD. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 17%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục