Iran tính tới các kịch bản sụt giảm lượng dầu xuất khẩu

08:14' - 04/05/2019
BNEWS Xuất khẩu dầu mỏ của Iran có thể giảm từ mức khoảng 1 triệu thùng/ngày xuống còn 700.000 thùng/ngày, và thậm chí tiếp tục tụt xuống 500.000 thùng/ngày kể từ tháng Năm trở đi.
Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Nguồn tin dầu mỏ Iran ngày 3/5 cho biết, xuất khẩu dầu mỏ của nước này sẽ giảm trong tháng Năm này sau khi Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nguồn thu ngân sách chính của Tehran, đồng thời khiến nguồn cung “vàng đen” toàn cầu bị thắt chặt hơn trong bối cảnh Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng.

Mặc dù Iran vẫn khẳng định hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước sẽ không bị ảnh hưởng bất chấp động thái siết chặt trừng phạt của Mỹ, song trên thực tế giới chức dầu mỏ của nước này đang tính tới các kịch bản sụt giảm lượng dầu xuất khẩu.

Theo nguồn tin trên, xuất khẩu dầu mỏ của Iran có thể giảm từ mức khoảng 1 triệu thùng/ngày xuống còn 700.000 thùng/ngày, và thậm chí tiếp tục tụt xuống 500.000 thùng/ngày kể từ tháng Năm trở đi, sau khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Tehran. Một nguồn tin khác từ OPEC dự đoán xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ dao động quanh ngưỡng 400.000-600.000 thùng/ngày.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Iran sẽ không bao giờ khuất phục trước sức ép của Mỹ đối với nước này, đồng thời khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ tìm ra cách đối phó với sức ép của Mỹ như những gì Tehran đã thực hiện trong suốt những năm qua.

Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Sara Vakhshouri nhận định, việc Washington tìm cách kéo lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống “mức 0” không đồng nghĩa hoạt động xuất khẩu “vàng đen” của Iran sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn, khi Tehran có thể vẫn duy trì một lượng xuất khẩu dầu mỏ nhất định sang Trung Quốc và Ấn Độ trong tháng 5/2019./.

>>> Giá dầu thế giới giảm gần 3% do lo ngại dư cung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục