Italy đẩy sớm tiêm mũi vaccine tăng cường cho người trên 40 tuổi

07:47' - 20/11/2021
BNEWS Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố việc tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trong độ tuổi từ 40-59 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/11, thay vì 1/12 như kế hoạch.

Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố việc tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trong độ tuổi từ 40-59 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/11, thay vì 1/12 như kế hoạch, do số ca mắc COVID-19 ở nước này đang gia tăng.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Nông nghiệp Italy (Coldiretti) tổ chức, ông Speranza nhấn mạnh rằng số ca mắc COVID-19 đang tăng lên tại Italy và các nước châu Âu láng giềng.

Vaccine là công cụ chính để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và giảm số ca bệnh nặng. Do đó, việc đẩy sớm chiến dịch tiêm chủng tăng cường cho nhóm tuổi 40-59 là đúng đắn. Italy đang trong làn sóng lây nhiễm thứ tư và cần đặc biệt theo dõi sát tình hình.

Bộ trưởng Speranza lưu ý rằng 86,86% dân số đủ điều kiện (trên 12 tuổi) tại Italy hiện đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, “nhưng chúng tôi phải tăng số người được tiêm chủng, cả những người tiêm mũi thứ nhất và mũi tăng cường, thông qua việc thuyết phục những người còn nghi ngờ vaccine, kể cả về mũi tăng cường”.

Người đứng đầu Viện Y tế quốc gia (ISS) Silvio Brusaferro có chung ý kiến khi khẳng định Italy "phải đẩy mạnh việc tiêm các liều vaccine tăng cường, mặc dù đã tiêm được cho khoảng 40% những người trên 80 tuổi".

Theo báo cáo mới nhất về tình hình COVID-19, được Bộ Y tế và ISS công bố ngày 19/11, tỷ lệ mắc COVID-19 trong tuần từ 12-18/11 đã tăng lên 98 ca/100.000 dân, so với 78 ca/100.000 dân hồi tuần trước. Tỷ lệ số ca mắc COVID-19 phải cấp cứu tăng lên 5,3%, so với 4,4%, trong khi số ca phải nhập viện cũng tăng từ 6,1% lên 7,1%, thấp hơn ngưỡng báo động.

Ông Brusaferro cho biết số ca nhiễm tăng mạnh nhất ở những người trong độ tuổi 30-50 và dưới 12 tuổi, thậm chí có cả những trường hợp phải nhập viện.

Khi làn sóng lây lan mới nhất tấn công châu Âu, Bộ Y tế Italy vẫn đang chủ yếu dựa vào việc sử dụng rộng rãi thẻ xanh COVID-19, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số cho thấy người sở hữu đã được tiêm phòng, hồi phục từ COVID-19 trong vòng 6 tháng hay có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc 72 giờ trước đó, và tỷ lệ tiêm vaccine tương đối cao để giảm tỷ lệ số ca lây nhiễm và phải nhập viện.

Các quan chức chính phủ và chuyên gia y tế đã nhiều lần nói rằng tình hình đại dịch COVID-19 tại Italy đang "được kiểm soát" nhờ vaccine, thẻ xanh và họ không dự đoán nước này sẽ thực thi các biện pháp cứng rắn hơn như cách ly và đóng cửa kinh doanh trong thời gian lễ Giáng sinh.

Chính phủ cũng tuyên bố chưa xem xét khuyến nghị của các nhà lãnh đạo vùng tại Italy, đang thúc đẩy việc thay đổi các quy định phòng chống dịch mới trong mùa Đông này, nhưng chỉ áp dụng đối với những người chưa tiêm vaccine.

Thay vào đó, chính phủ nhiều khả năng sẽ xem xét việc bắt buộc nhiều nhóm đối tượng phải tiêm vaccine. Ngày 19/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Itally Andrea Costa nhắc lại rằng họ vẫn đang thảo luận về kế hoạch áp dụng tiêm chủng bắt buộc.

Phát biểu trên đài phát thanh Rai Radio 1, ông Costa cho biết cảnh sát và người lao động tại "các trung tâm phân phối quy mô lớn" là những người có thể bị buộc phải tiêm vaccine, cùng với các nhân viên y tế, những người đã bắt buộc phải tiêm vaccine từ tháng 4/2021, vì “điều duy nhất có thể giúp Italy an toàn là nghĩa vụ tiêm vaccine”.

Cùng ngày 19/11, chính quyền Sicily đã ra sắc lệnh, buộc tất cả những người trên 12 tuổi phải đeo khẩu trang tại các khu vực đông người ở ngoài trời trong thời gian từ nay đến 31/12. Tại các vùng khác của Italy, quy định bắt buộc đeo khẩu trang hiện chỉ áp dụng tại không gian trong nhà./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục