Italy điều tra Google lạm dụng vị thế trên thị trường quảng cáo trực tuyến

19:51' - 28/10/2020
BNEWS Italy đã mở cuộc điều tra Google liên quan đến các cáo buộc lạm dụng vị thế của mình trên thị trường và gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn trong một số lĩnh vực quảng cáo trên mạng.

 

 

Ngày 28/10, nhà chức trách Italy đã mở cuộc điều tra Tập đoàn công nghệ Google của Mỹ liên quan đến các cáo buộc hãng này lạm dụng vị thế của mình trên thị trường và gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn trong một số lĩnh vực quảng cáo trên mạng.

Cuộc điều tra sẽ tập trung vào việc hiển thị quảng cáo trên mạng - một hình thức quảng cáo liên quan đến hình ảnh, đồ họa hoặc video, ngoài dạng văn bản đơn thuần, có trị giá tới 1,2 tỷ euro và đây cũng là nguồn thu lớn của các tập đoàn truyền thông tại Italy năm ngoái.

Các nhà quản lý cho biết sẽ kiểm tra việc Google có sử dụng một lượng lớn dữ liệu thu thập được từ các ứng dụng của hãng này để tạo lợi thế cạnh tranh, giúp hãng dễ dàng vượt qua các đối thủ.

Theo họ, cách ứng xử của Google dường như cũng "gây tác động mạnh tương tự với người tiêu dùng". Việc thiếu cạnh tranh có thể làm giảm nguồn lực phân bổ cho các đạo diễn và biên tập trang web, vì vậy làm giảm chất lượng nội dung đến với người tiêu dùng đầu cuối.

Bên cạnh đó, cách ứng xử như vậy cũng không khuyến khích cải tiến công nghệ, đồng thời làm gia tăng các quảng cáo bừa bãi đến người tiêu dùng.

Các nhà quản lý Italy nhấn mạnh rằng các công ty quảng cáo có thể thu thập được nhiều thông tin về việc người tiêu dùng muốn gì bằng cách theo vết các hoạt động của họ trên mạng, qua đó xác định cách chào hàng như thế nào để có sức hút nhất.

Họ cho biết Google có một loạt ứng dụng cho phép hãng thiết lập chi tiết hồ sơ người tiêu dùng tìm kiếm trên mạng, toàn bộ những thông tin này đều được nền tảng Google ID quản lý. Nhưng Google "dường như đã áp dụng một cách tiếp cận mang tính phân biệt đối xử, đặc biệt là từ chối giao các chìa khóa để giải mã Google ID".

Vị thế lấn át của Google trên mạng, cùng với những nút "like" (yêu thích) trên Facebook và Amazon, ngày càng gây ra sự tức giận và lo ngại nguy cơ lạm dụng của các đại gia công nghệ, đặc biệt tại châu Âu, và ngay cả tại Mỹ.

Tuần trước, Chính phủ Mỹ đã lập hồ sơ kiện quy mô lớn, trong đó cáo buộc Google giành "độc quyền bất hợp pháp" trong hoạt động quảng cáo và tìm kiếm trên mạng Internet./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục