Italy: Triển vọng tái công nghiệp hóa trong bối cảnh “toàn cầu hóa mới”

06:30' - 20/03/2023
BNEWS Liệu Italy có đủ lực lượng lao động cần thiết để tái công nghiệp hóa đất nước trong bối cảnh vấn đề thiếu hụt nhân lực đã được nhắc lại nhiều lần tại các diễn đàn doanh nghiệp.
Bài viết của tác giả Federico Rampini, được đăng trên trang mạng Corriere della Sera (Italy), phân tích những yếu tố thuận lợi và khó khăn của kinh tế Italy cũng như các nước phương Tây trong bối cảnh xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa đối mặt nhiều thách thức.

Xuất khẩu hàng hóa tại vùng Friuli Venezia Giulia (FVG) của Italy đã đạt mức tăng 22,3% trong năm 2022, năm khởi đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Đây là một thành tích tuyệt vời. Tuy nhiên, không chỉ FVG đã lập nên kỳ tích đặc biệt sáng chói mà nhìn chung, toàn bộ ngành công nghiệp của Italy đã chứng kiến sự trở lại rất thành công trong năm qua. Ở đó, khó có thể tìm thấy dấu vết tác động của cuộc xung đột. Tuy nhiên, là một vùng ở phía Đông Bắc tiếp giáp với Balkan, FVG luôn có xu hướng hướng vươn tới các thị trường tiêu thụ ở phía Đông, bao gồm cả Nga.

Italy phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường phương Tây

Bài viết được tác giả Federico Rampini đúc kết sau khi tham dự Diễn đàn Đối thoại mở do Phòng Thương mại Udine-Pordenone phối hợp với Tổ chức tư vấn The European House-Ambrosetti tổ chức, trong đó thảo luận về nhiều vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, như hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với trật tự toàn cầu mới; tình trạng đối đầu Mỹ-Trung và những tác động đối với hiện trạng mới của toàn cầu hóa; các doanh nghiệp và công nghệ mới; thị trường lao động và những thế hệ mới.

Bài viết bắt đầu từ một chuyến thăm rất "địa phương" của tác giả tới một trong những khu vực công nghiệp hóa nhất của Italy và gắn liền với các thị trường quốc tế. Chuyến đi đã cho tác giả cảm nhận thấy rằng việc phải rời bỏ thị trường Nga khiến các doanh nghiệp Italy chỉ phải trả giá rất ít, ngay cả ở khu vực tận cùng phía Đông Bắc của đất nước.

Một trong những lời giải thích thuyết phục nhất đó là, thị trường Bắc Mỹ đã bù đắp nhiều hơn cả mức thiệt hại về thị trường đầu ra ở phía Đông. Thịt giăm bông San Daniele, sản phẩm chủ lực với kỷ lục ngoạn mục về doanh số được ghi nhận ở Mỹ, chỉ là một trong số những mặt hàng tiêu biểu cho nền ẩm thực tuyệt vời của Italy. Các doanh nghiệp vùng Đông Bắc còn xuất khẩu nhiều sản phẩm khác sang Mỹ từ máy móc tinh đến đồ nội thất, rượu vang, hàng thiết kế, công nghệ tiên tiến...

Lâu nay, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là những thị trường chi phối toàn bộ nền kinh tế Italy. Ngoài sự tương đồng về địa chính trị và hệ thống các giá trị, khái niệm phương Tây còn là một thực thể kinh tế quan trọng được xây dựng bởi nhiều thập kỷ đầu tư và thương mại. Phần còn lại của thế giới tràn ngập những cơ hội song vẫn chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với mức hiện có trên trục xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ.

Trong khi đó, những cơ hội mới gắn với phiên bản "được xét lại và chính sửa" của toàn cầu hóa là một trong những chủ đề của Diễn đàn Đối thoại mở. Sự thận trọng là cần thiết. Thái độ từ phía Trung Quốc, cộng với nhiều cú sốc mà Italy phải gánh chịu trong đại dịch do phụ thuộc quá nhiều vào nhà cung cấp này, khiến nước này nhận ra tầm quan trọng của việc phải "đa dạng hóa ngoài Trung Quốc".

Dù vậy, đó sẽ không phải là một bước chuyển dễ dàng, êm ái và mau chóng. Việc thay thế một nhà cung cấp đã có danh tiếng về chất lượng, độ tin cậy và kịp thời sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Những rào cản về kinh tế

Liệu Italy có đủ lực lượng lao động cần thiết để tái công nghiệp hóa đất nước? Vấn đề thiếu hụt nhân lực là nét chủ đạo đã nhiều lần được lặp lại trong các phát biểu tại Diễn đàn các doanh nhân lớn của vùng Friuli Venezia Giulia (Danieli, Fantoni, Illy).

Từ kỹ sư đến công nhân, tất cả những yếu tố chuyên sâu mà các ngành công nghiệp tiên tiến nhất đòi hỏi đều thiếu. Những lời phàn nàn của giới chủ công nghiệp ở Udine (Italy) cũng là vấn đề chung ở Ohio, Texas, Arizona, California và New York (Mỹ). Đó cũng là câu hỏi đang được đặt ra gần đây ngay cả bởi Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), “gã khổng lồ” Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang đứng đầu thế giới về sản xuất vi mạch.

Bị hấp dẫn bởi những khoản trợ cấp công hào phóng do chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra, TSMC đã công bố khoản đầu tư 40 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới ở Arizona. Nhưng doanh nghiệp này đang đối mặt vấn đề về nhân lực, hoặc do khan hiếm, hoặc do không có trình độ đào tạo, kỷ luật, tính linh hoạt và năng suất mà TSMC đã quen được đáp ứng ở châu Á.

Vấn đề các nhà công nghiệp lớn ở Udine, Pordenone và các khu vực lân cận đang gặp cũng giống với tình trạng chung ở nhiều địa phương khác của Italy. FVG và Mỹ đều gặp các vấn đề tương tự nhau. Ở châu Âu, trợ cấp công cũng sẵn có nếu bạn muốn tái khởi động các khoản đầu tư vào những lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn.

Thậm chí, nhà kinh tế học Carlo Altomonte của Đại học Bocconi đã ước tính rằng tổng thể các dạng khuyến khích doanh nghiệp của EU có giá trị cao gấp ba lần so với ở Mỹ. Nhưng đáng tiếc, những nguồn lực này lại bị phân tán trong nhiều lĩnh vực quốc gia nhỏ lẻ, trái ngược với chính sách “tập trung hỏa lực” mà Mỹ giành cho một số dự án lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều phải đối mặt với vấn đề chung về lực lượng lao động.

Có vẻ lạ lùng nhưng thực tế là các trường đại học Mỹ cũng đang đào tạo ra quá nhiều luật sư, quá nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính, quá nhiều nhà nhân văn-nghệ sĩ trong khi lại ít đào tạo các kỹ thuật viên và kỹ sư hơn mức cần thiết. Tất cả các nhà công nghiệp, dù là ở Mỹ hay ở vùng FVG, đều đang kêu gọi mở cửa biên giới cho những người nhập cư đủ điều kiện.

Chính ở điểm này, một khoảng cách lớn đang mở ra giữa Italy và Mỹ. Nước Mỹ có thể thực hiện chính sách nhập cư có chọn lọc. Rõ ràng, chính sách này không hoàn toàn thành công vì nhập cư bất hợp pháp vẫn luôn là vấn đề nóng ở khu vực biên giới giữa Mỹ với Mexico.

Tuy nhiên, ít nhất trong bộ phận nhập cư hợp pháp, quá trình lựa chọn định tính đã diễn ra. Thẻ xanh được các doanh nghiệp bảo lãnh hoặc thị thực làm việc có thời hạn (như H1-B) có tác dụng thu hút những nhóm tài năng mà kinh tế Mỹ đang cần đến.

Trong khi đội ngũ kỹ sư được đào tạo tại các trường đại học Mỹ không đủ đáp ứng nhu cầu của lĩnh vực công nghiệp, nhiều bộ phận khác đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Pháp, Anh và Italy đã xen vào để lấp đầy khoảng trống.

Trong khi đó, Italy có nguy cơ lựa chọn ngược lại. Trong dòng di cư từ phía Nam hoặc Trung Đông, những tài năng có trình độ chuyên môn thường chỉ coi Italy là vùng chuyển tiếp để đến Đức hoặc Thụy Điển, trong khi những người ít chuyên môn hơn thì ở lại.

Nghịch lý của khái niệm “toàn cầu hóa mới”

Tác giả Federico Rampini trích dẫn hai điểm nghịch lý của khái niệm "toàn cầu hóa mới" được nêu ra trong báo cáo của Giáo sư Altomonte và Giám đốc Ngân hàng trung ương Italy ở Bắc Mỹ Carmine Porello.

Sự thoái lui của quá trình toàn cầu hóa đã bắt đầu từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch hoặc cuộc xung đột ở Ukraine. Nói một cách chính xác, tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới đã chậm lại bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều này không hẳn là do phương Tây tự khép mình. Ngược lại, chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ gần như vắng bóng trên lĩnh vực ngoại thương, đến mức năm ngoái Mỹ còn công bố thâm hụt thương mại kỷ lục với Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc đã tự cứu mình khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008 bằng cách tập trung vào một mô hình phát triển được thúc đẩy chủ yếu bởi chi tiêu nội bộ, đặc biệt là các khoản đầu tư lớn cho xây dựng cũng như các công trình công cộng. Một nước lớn như Trung Quốc tập trung nhiều hơn cho đầu tư nội địa sẽ khiến động lực của toàn cầu hóa "biến mất".

Một nghịch lý khác nữa chính là phản ứng của Đức trong năm 2022 trước tình trạng lạm phát về năng lượng. Do đó, Đức đã nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc các dẫn xuất hóa học, như amoniac và những thành phần khác của phân bón nông nghiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại sử dụng khí đốt nhập khẩu từ Nga, với mức giá chiết khấu và bỏ qua các lệnh trừng phạt của phương Tây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục