ITU cam kết phát triển các tiêu chuẩn Trí tuệ nhân tạo

09:15' - 10/07/2023
BNEWS Cộng đồng quốc tế cần đưa ra những đề xuất cụ thể về giải pháp, trí tuệ nhân tạo (AI) phải đặt giá trị con người lên hàng đầu, AI phải không phân biệt đối xử và không chống lại con người.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Hội nghị cấp cao toàn cầu về Trí tuệ nhân tạo vì những điều tốt đẹp (AI for Good), do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vừa tổ chức với sự tham dự của đông đảo đại diện các chính phủ, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả, nhà khoa học, nhà đổi mới công nghệ, tổ chức xã hội và các cơ quan Liên hợp quốc.

 

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký ITU, bà Doreen Bogdan-Martin nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đưa ra những đề xuất cụ thể về giải pháp, AI phải đặt giá trị con người lên hàng đầu, AI phải không phân biệt đối xử, sử dụng dữ liệu phù hợp với con người chứ không chống lại con người.

Đây không chỉ là giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc mà còn là giá trị phổ quát và nhân văn. Phải làm cho AI thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và bình đẳng kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký ITU cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để phát triển Trí tuệ nhân tạo bao trùm, an toàn và có trách nhiệm, tạo ra đột phá trong chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giáo dục và các lĩnh vực quan trọng khác, và thực hiện bình đẳng kỹ thuật số. Theo bà, vấn đề quan trọng là làm thế nào sử dụng AI nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Ngoài ra, Tổng thư ký ITU cũng chỉ ra, kỷ nguyên của AI mới chỉ mới bắt đầu và tương lai của nó vẫn chưa được xác định. Trong thời gian tới, chúng ta phải đối mặt với 3 kịch bản có thể xảy ra.

Trong kịch bản thứ nhất, AI thực hiện đúng cam kết, nhưng thế giới chứng kiến tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và suy thoái môi trường giảm rõ rệt. Cộng đồng toàn cầu, đang làm điều đúng đắn bằng cách ban hành các khuôn khổ quản trị toàn cầu cho phép đổi mới phát triển đồng thời giải quyết tất cả các cân nhắc về đạo đức, an toàn và trách nhiệm giải trình.

Trong kịch bản thứ hai, chúng ta không khai thác được tiềm năng của AI để phát triển bền vững. Không có quy định tại chỗ, những tiến bộ AI không được kiểm soát dẫn đến bất ổn xã hội, bất ổn địa chính trị và chênh lệch kinh tế trên quy mô mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.

Trong kịch bản thứ ba, AI có thể tạo ra những bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giáo dục và các lĩnh vực quan trọng khác. Nhưng các quốc gia giàu có hơn là những người đang gặt hái những lợi ích.

Cũng tại hội nghị, một loạt các ý tưởng liên quan đến tương lai của AI đã được trình bày, bao gồm thiết lập sổ đăng ký các ứng dụng AI mới hoặc dự kiến, một đài quan sát toàn cầu về AI và định chế mới, cũng như các đề xuất trao quyền cho các tổ chức hiện tại có thể đã có chuyên môn và cơ cấu để giải quyết các thách thức do AI đặt ra. Điều quan trọng là phải phân tích những gì khả thi, những gì đã có và những gì có thể được thực hiện để tạo ra một lộ trình cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kết thúc hội nghị, ITU cam kết phát triển các tiêu chuẩn AI và xây dựng năng lực, hỗ trợ phát triển và triển khai AI có trách nhiệm, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan. 

Theo ITU, cần cho thế giới thấy một AI bao trùm, an toàn và có trách nhiệm có thể làm gì cho nhân loại. Cùng với các đối tác Liên hợp quốc, ITU sẽ làm việc để tích hợp hỗ trợ năng lực AI vào các dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số và để tập trung ứng dụng AI vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, di động thông minh và thành phố thông minh cũng như nâng cao sức khỏe toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục