JEFTA – Tín hiệu mạnh mẽ của thương mại tự do (Phần 1)

06:30' - 16/02/2019
BNEWS Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đánh giá Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) mất nhiều năm để đạt thỏa thuận và chứa đựng đầy đủ các giá trị và nguyên tắc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/2/2019, Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Nhật Bản (JEFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là FTA bao gồm 635 triệu dân, chiếm 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 16% thương mại và 1/3 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của toàn cầu.

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã kết thúc các cuộc đàm phán về JEFTA vào tháng 12/2017 chỉ sau 4 năm đàm phán. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 6 của EU trên thế giới. Đối với Nhật Bản, EU chiếm vị trí thứ ba. Kim ngạch thương mại giữa hai bên lên tới khoảng 130 tỷ euro vào năm 2017. Với JEFTA, hai bên sẽ giảm thuế và hàng rào phi thuế quan để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư. 

Hơn nữa, đây cũng là một tín hiệu mạnh mẽ rằng hợp tác và hội nhập kinh tế vẫn có thể diễn ra trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump và Brexit (Anh rời khỏi EU). Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đánh giá hiệp định này mất nhiều năm để đạt thỏa thuận và chứa đựng đầy đủ các giá trị và nguyên tắc. Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo rằng Anh có thể mất lợi ích nếu rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit.

*Mục tiêu loại bỏ thuế đối với 97% và 99% hàng nhập khẩu của Nhật Bản và châu Âu

Sữa và các sản phẩm thực phẩm khác là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của EU sang Nhật Bản và tiến tới giảm gần 1 tỷ euro thuế quan- gần 40% đối với thịt bò, 30% đối với sôcôla, 15% đối với rượu vang và đến 40% đối với pho mát – dẫn tới có thể thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm. Ở chiều ngược lại, EU sẽ giảm thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu xuống mức 0% vào năm 2027. Chính phủ Nhật Bản ước tính điều này có thể giúp tăng GDP thêm 1%. 

Ngoài ra, thỏa thuận cũng mang lại quyền truy cập tốt hơn cho các công ty dịch vụ, cho phép họ đấu thầu các hợp đồng công khai hơn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ châu Âu sang Nhật Bản hiện có trị giá khoảng 28 tỷ euro mỗi năm. EU cho biết các công ty bán dịch vụ kinh doanh, tài chính, viễn thông, vận tải và phân phối sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

*Nhật Bản - "nhà vô địch" về thương mại tự do

Trong lịch sử, Nhật Bản không tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại tự do quốc tế, song điều này giờ đã thay đổi. Nó dẫn đến các cuộc đàm phán để cứu vãn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và sau đó được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

CPTTP có hiệu lực vào đầu năm 2019 và cắt giảm thuế quan giữa 11 nước: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam, với 500 triệu dân. Kết hợp 2 thỏa thuận, năm 2019 chứng kiến Nhật Bản bước vào lĩnh vực thương mại tự do của hơn 1 tỷ người. Đại sứ Nhật Bản tại Singapore đã nhận xét: “Đất nước chúng tôi không sản xuất tài nguyên thiên nhiên. Sức mạnh của Nhật Bản là có người dân – một dân số được giáo dục khá tốt, và khá siêng năng trong lao động. Và để sử dụng tài sản đó, chúng tôi phải có sự tương tác với thế giới bên ngoài, điều đó chắc chắn có nghĩa là thương mại tự do và một môi trường đầu tư tự do hơn”.

*Anh có thể chỉ được hưởng lợi từ JEFTA trong thời gian ngắn

Triển vọng cho các nhà xuất khẩu Anh là bếp bênh hơn nhiều. Nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào cuối tháng Ba tới, nước này sẽ không còn trong khu vực thương mại tự do mới. Nếu EU và Anh đạt được thỏa thuận, nước này sẽ được duy trì quyền lợi trong JEFTA ở thời kỳ chuyển tiếp Brexit. Chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ đàm phán một FTA mới đầy tham vọng với London – nhưng chỉ khi nào mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU được khẳng định.

Bộ Thương mại Quốc tế của Anh cho biết JEFTA sẽ làm tăng GDP của Anh lên tới 3,98 tỷ USD trong dài hạn. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho biết ông muốn sử dụng JEFTA làm cơ sở cho một “quan hệ đối tác mới, thậm chí mạnh mẽ hơn sau khi rời khỏi EU”.

*Vấn đề khí hậu

JEFTA là thỏa thuận đầu tiên của EU bao gồm một điều khoản cụ thể có liên quan tới Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm thống nhất thế giới trong một thỏa thuận duy nhất để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu bằng giảm khí thải.

EU và Nhật Bản đã đồng ý rằng thương mại có thể đóng góp “tích cực” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết rằng việc có các điều khoản liên quan tới Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu phải được yêu cầu bắt buộc xuất hiện trong các FTA mới.

Tuy nhiên, một số nhà vận động đã đặt câu hỏi liệu EU có sẵn sàng mạo hiểm thương mại hay không bằng cách nhất quyết phải tuân thủ các quy định về khí hậu. Cụ thể, báo cáo của Viện các vấn đề quốc tế và châu Âu cho biết việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã tạo ra vỏ bọc chính trị cho những nước khác cố tình làm chậm các cam kết của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục