JICA giúp Hòa Bình xây dựng thương hiệu lợn bản địa

18:42' - 16/11/2016
BNEWS Dự án có tổng vốn thực hiện dự kiến 143,6 tỷ đồng; trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản 100,7 tỷ đồng, vốn đối ứng bằng tiền 43 tỷ đồng và vốn đối ứng bằng hiện vật 23 tỷ đồng.
JICA giúp Hòa Bình xây dựng thương hiệu lợn bản địa. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN
Ngày 16/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Dự án JICA về việc triển khai Dự án “Thành lập Ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa của Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi lợn bền vững bảo vệ đa dạng sinh học” tại Hòa Bình. 

Đây là dự án quan trọng do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) đồng tài trợ, triển khai chính tại Hà Nội và Hòa Bình từ năm 2015 - 2020. 

Dự án có tổng vốn thực hiện dự kiến 143,6 tỷ đồng; trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản 100,7 tỷ đồng, vốn đối ứng bằng tiền 43 tỷ đồng và vốn đối ứng bằng hiện vật 23 tỷ đồng. 

Dự án nhằm mục tiêu thành lập hệ thống bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học của các giống lợn nội của Việt Nam. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai nhiều hoạt động hướng tới thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu và bảo tồn đông lạnh các giống lợn bản địa. 

Đồng thời phát triển các kỹ thuật sinh sản từ tinh hoặc phôi; thành lập các biện pháp bảo tồn và phát triển nguồn gen lợn nội, từ đó góp phần phát triển chăn nuôi bền vững tại Việt Nam. 

Riêng tại Hòa Bình, dự án sẽ chú trọng điều tra sơ bộ về chăn nuôi lợn bản địa; thí nghiệm tác động về thức ăn, dinh dưỡng; lựa chọn mô hình tác động tổng thể; đánh giá nhu cầu đào tạo của người chăn nuôi và giảng viên trong việc phát triển chăn nuôi lợn bản địa. 

Bên cạnh đó, dự án cũng hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ thú y cơ sở để nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi giống lợn nội tại tỉnh; tập huấn về xây dựng thương hiệu tại Nhật Bản; đồng thời hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện để các hoạt động của dự án được triển khai thuận lợi, đạt yêu cầu đề ra. 

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi làm rõ thêm các nội dung sẽ triển khai tại Hòa Bình. Đại diện đoàn công tác, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Giám đốc Ban quản lý Dự án mong muốn các đối tác sẽ có sự phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai dự án. 

Theo đó, ông Nguyễn Thanh Sơn đề nghị tỉnh Hòa Bình chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng (khoảng 8,6 tỷ đồng) để cùng các đối tác thực hiện dự án như hoạch định. Về phía Viện Chăn nuôi, là đơn vị đề xuất dự án, Viện cam kết sẽ tích cực vào cuộc để dự án mang lại những kết quả thiết thực, góp phần hỗ trợ tỉnh Hòa Bình xây dựng thành công thương hiệu lợn bản địa, tạo thêm động lực để thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định quyết tâm của tỉnh Hòa Bình đối với việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản nổi bật của địa phương; trong đó có sản phẩm chăn nuôi nhiều lợi thế cạnh tranh như lợn bản địa. UBND tỉnh sẽ sớm ban hành kế hoạch cụ thể về vốn đối ứng và các nội dung phối hợp để Dự án triển khai đúng lộ trình, đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục