Johnson & Johnson xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ở Ấn Độ

17:59' - 06/08/2021
BNEWS Ngày 6/8, Johnson & Johnson (J&J) thông báo đã nộp đơn lên Tổ chức Kiểm soát tiêu chuẩn dược phẩm trung ương Ấn Độ (CDSCO) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hãng này sản xuất.

Trong tuyên bố của mình, J&J của Mỹ cho biết đã nộp đơn xin cấp phép một ngày trước đó. Tuyên bố nhấn mạnh: “Đây là một cột mốc quan trọng mở đường cho việc đưa vaccine COVID-19 một mũi tiêm của chúng tôi đến với người dân Ấn Độ và phần còn lại của thế giới, thông qua hợp tác với công ty Biological E Limited".

J&J khẳng định Biological E sẽ là một phần quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng này, giúp cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hàng thông qua quan hệ hợp tác và đối tác sâu rộng mà hãng có được với các chính phủ, cơ quan y tế và các tổ chức như Liên minh Vaccine toàn cầu (Gavi) và cơ chế tiếp cận vaccine công bằng COVAX.

Nếu được cấp phép, vaccine ngừa COVID-19 của J&J sẽ là loại vaccine nước ngoài thứ hai được cho phép sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ, sau vaccine của hãng Moderna (Mỹ). Với hơn 426.700 ca tử vong trong số hơn 31,8 triệu bệnh nhân COVID-19, Ấn Độ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ hai thế giới. Theo số liệu của Bộ Y tế nước này, hiện mới chỉ có khoảng 495,3 triệu người trong hơn hơn 1,3 tỷ dân nước này đã được tiêm  ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19.

Cũng liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 của J&J, ngày 6/8, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi Glenda Gray cho biết chế phẩm này đang phát huy hiệu quả tốt tại Nam Phi, giúp người được tiêm chủng tránh nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong nếu bị nhiễm bệnh.

Trao đổi với báo giới, bà Gray, cũng là điều tra viên chương trình thử nghiệm vaccine của J&J, cho biết cho biết từ giữa tháng 2 vừa qua, trong khuôn khổ một nghiên cứu được hoàn tất vào tháng 5, đã có 477.234 nhân viên y tế được tiêm vaccine của J&J.

Theo quan chức này, vaccine có khả năng giảm tới 91% đến 96,2% nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân có thể mắc sau khi tiêm, đồng thời đạt hiệu quả 67% trong việc ngăn ngừa nhiễm biến thể Beta và khoảng 71% đối với biến thể Delta.

Đầu tháng 4 vừa qua, Nam Phi đã cấp phép sử dụng vaccine của J&J. Với các thỏa thuận mua vaccine của hãng J&J và Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức), Nam Phi đảm bảo có đủ vaccine để tiêm cho 40 triệu người trong tổng 60 triệu dân nước này. Nam Phi đã trả 10 USD cho mỗi liều vaccine của J&J và Pfizer/BioNTech./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục