Mỹ hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19 của Johnson&Johnson và Moderna cho các nước châu Á

11:13' - 10/07/2021
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Washington, một quan chức Nhà Trắng ngày 9/7 cho biết Mỹ đang chuyển vaccine của các hãng Moderna và Johnson & Johnson cho ba nước Indonesia, Nepal và Bhutan.

Cụ thể, Mỹ đang chuyển 3 triệu liều của Moderna tới Indonesia, 1,5 triệu liều của Johnson & Johnson tới Nepal và 500.000 liều của Moderna sẽ tới Bhutan.

Cùng lúc, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 2 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm Moderna do Washington hỗ trợ Việt Nam theo cơ chế COVAX cũng đã về tới Hà Nội trong sáng sớm 10/7, theo giờ Việt Nam.

Đây là một phần trong cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden hỗ trợ các nước trên thế giới 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Mỹ sản xuất, trong bối cảnh có nhiều lo ngại trước sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Trong danh sách các nước châu Á nhận vaccine do Mỹ hỗ trợ, ngoài 4 nước trên còn có Philippines, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea và Campuchia.

Đến nay, Mỹ đã giao tổng cộng chừng 40 triệu liều vaccine cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Washington cũng thông báo sẽ mua 500 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech để phân phối cho Liên minh châu Phi và 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Cũng trong ngày 9/7,  tại thủ đô Dakar, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cùng một số đối tác và nước chủ nhà Senegal đã ký thỏa thuận tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Senegal.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt vaccine và làn sóng nhiễm COVID-19 thứ 3 đang quét qua "lục địa đen".

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, thỏa thuận tài chính mới này nhằm khởi động việc sản xuất vaccine tại châu Phi, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bộ trưởng Kinh tế Senegal, ông Amadou Hott cho biết cơ sở sản xuất vaccine mới sẽ đặt nền tảng cho chủ quyền dược phẩm và y tế, tăng cường khả năng tiếp cận với các loại vaccine giá cả phải chăng ở châu Phi cũng như cho phép sản xuất vaccine nhanh chóng để đối phó với các đại dịch mới.

Việc xây dựng nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, đặt mục tiêu đạt sản lượng 25 triệu liều vaccine mỗi tháng vào cuối năm 2022.

Tham gia tài trợ cho dự án này có Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng Thế giới, cùng chính phủ Mỹ, Pháp, Đức và Bỉ thông báo sẽ tài trợ cho dự án này cùng với Chính phủ Senegal và các nhà tài trợ khác. Riêng Đức tuyên bố sẽ đóng góp 20 triệu euro (23,7 triệu USD). 

Tại cuộc họp báo ở thủ đô Dakar, Ủy viên châu Âu Thierry Breton cho biết dự án này sẽ có tổng chi phí khoảng 200 triệu euro (237 triệu USD) với nhà máy được đặt ở thành phố mới của Diamniadio, cách thủ đô Dakar khoảng 30 km và cần tuyển dụng khoảng 300 nhân công.

Từ châu Âu, Slovenia cũng thông báo sẽ tặng 250.000 liều vaccine của AstraZeneca cho Ai Cập, cũng như đóng góp 500.000 euro cho sáng kiến COVAX, một cơ chế toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm tạo cơ hội tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19.

Lô vaccine dành cho Ai Cập được thực hiện theo thỏa thuận ba bên giữa Slovenia, Ai Cập và AstraZeneca.

Trước đó, Cairo đã  kêu gọi quốc tế hỗ trợ do tình hình kiểm soát dịch bệnh kém, tỷ lệ tiêm chủng cực thấp và tình hình thiếu vaccine tại nước này.

Slovenia đã đặt hàng khoảng 1,4 triệu liều vaccine của AstraZeneca và đến nay mới nhận được khoảng 500.000 liều./.    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục