Kế hoạch giảm thuế của Mỹ gây lo ngại về một "cuộc chiến" thuế trên toàn cầu

13:38' - 30/04/2017
BNEWS Kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên những quan ngại về một cuộc đua giảm thuế trên quy mô toàn cầu
Kế hoạch giảm thuế của Mỹ gây lo ngại về một "cuộc chiến" thuế trên toàn cầu. Ảnh: reuters

Giới chuyên gia nhận định các kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên những quan ngại về một cuộc đua giảm thuế trên quy mô toàn cầu, có thể kéo theo những hậu quả tiêu cực về mặt xã hội.

Theo kế hoạch này, đối tượng đóng thuế cá nhân tại Mỹ sẽ chỉ còn 3 mức: 10%, 25% và 35%.

Thuế doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 15% với kỳ vọng người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng cường chi tiêu, mở rộng nền kinh tế và số lượng việc làm.

Bên cạnh đó, một số công ty lớn của Mỹ đang làm ăn ở nước ngoài có thể đưa lợi nhuận về trong nước với mức thuế chỉ còn 10%, thay vì 35% như hiện nay.

Mục đích của chính sách này, theo ông Trump, là sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới này đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 3% trở lên.

Tuy nhiên, hầu hết các phân tích đều dự báo kế hoạch trên sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ phình to do giảm thu ngân sách từ thuế, mặc cho chính quyền ông D.Trump lập luận rằng tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh (nhờ kế hoạch) sẽ giúp bù đắp khoản thu ngân sách hao hụt.

Theo ước tính của Trung tâm Chính sách Thuế Mỹ, các kế hoạch trên của Tổng thống D.Trump có thể gây ra một “lỗ hổng” 6.200 tỷ USD trong ngân sách của Washington trong 10 năm tới và khiến nợ công nước này tăng mạnh thêm 20.000 tỷ USD vào năm 2036.

Các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận lo ngại các kế hoạch này có thể thúc đẩy cuộc đua để cạnh tranh về thuế trên quy mô quốc tế.

Cụ thể, khi Mỹ - cường quốc số 1 thế giới - quyết định giảm nguồn thu từ thuế nhiều như thế này, một số các nước khác có thể “nối gót”, kéo theo đó là những bất cân bằng có thể tác động lớn tới xã hội.

Việc giảm nguồn thu từ thuế có thể gây thêm khó khăn cho các chính phủ trong việc chi trả phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế và các lợi ích khác cho người dân.

Luật sư về thuế tại công ty tư vấn EY, Jean-Pierre Lieb cho rằng việc cắt giảm thuế doanh nghiệp tại Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa các nước.

Hiện tại, thuế doanh nghiệp tại Mỹ đang thuộc hàng cao nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo sau là Pháp (34%), Bỉ (33%) và Australia (30%).

Mức thuế doanh nghiệp trung bình của OECD hiện khoảng 24%.

Để giúp môi trường kinh doanh trong nước trở nên thu hút hơn, một số nước đã quyết định giảm thuế doanh nghiệp.

Vương quốc Anh hiện đang có kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp từ 20% xuống 17% vào năm 2020.

Về phần mình, Pháp trong tư thế sẵn sàng giảm thuế doanh nghiệp xuống 28% vào năm 2020.

Italy, Israel và một số nước khác cũng đang “ôm” các tham vọng tương tự.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục