Kế hoạch ngân sách 2019 của Italy gây quan ngại

16:19' - 01/12/2018
BNEWS Italy đang bị vướng vào một cuộc tranh luận với EC, mà kéo dài nhiều tuần qua liên quan đến tỷ lệ thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2019.

Sự hồi phục kinh tế mong manh của Italy đang cho thấy những tín hiệu mạnh nhất của sự xuống dốc, qua đó làm dấy lên nghi ngại mới về khả năng của chính phủ trong việc duy trì mức thâm hụt ngân sách trong giới hạn chấp nhận được trong năm tới.

Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) ngày 30/11 công bố báo cáo mới nhất cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 0,1% trong quý III/2018 và là lần giảm đầu tiên trong hơn bốn năm.

Số liệu mới này "góp phần" làm nền kinh tế Italy có thể chỉ tăng 0,7% trong năm nay thay vì 0,8% như ước tính 0,8% gần đây nhất.

Những ước tính cho năm nay trước đó là nền kinh tế Italy có thể tăng gấp đôi mức trên, qua đó làm gia tăng hy vọng về sự phục hồi nhẹ sau 10 năm tăng trưởng chậm.

Báo cáo của ISTAT được đưa ra sau báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ, khi ước tính kinh tế Italy sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2019.

Con số này thấp hơn đáng kể so với những ước tính khác về triển vọng kinh tế Italy trong năm tới, trong đó bao gồm dự báo tăng trưởng 1,2% từ Ủy ban châu Âu (EC), 1,1% từ ISTAT, 1% từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và 0,9% từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Vấn đề đối với Chính phủ Italy là dự thảo ngân sách cho năm tới dựa trên ước tính rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm tới, cao hơn so với ước tính từ bất kỳ tổ chức đa phương lớn hay tài chính nào.

Italy đang bị vướng vào một cuộc tranh luận với EC, mà kéo dài nhiều tuần qua liên quan đến tỷ lệ thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2019.

Kế hoạch ngân sách dự thảo 2019 ban đầu của Italy có mức thâm hụt tương đương 2,4% GDP, cao gấp ba lần so với kế hoạch của chính phủ tiền nhiệm.

Các thành viên của EC đã liên tục bác con số 2,4%, và trong tuần này Italy đã đánh đi tín hiệu rằng nước này có thể điều chỉnh kế hoạch ngân sách với mức thâm hụt 2,2% GDP. Tuy vậy, tình hình này vẫn chưa được giải quyết, ngay cả khi thời hạn cuối cùng để nộp ngân sách chính thức đã trôi qua.

Tuy nhiên, theo Alessandro Missale, một nhà kinh tế chính trị thuộc State University of Milan, tốc độ tăng trưởng chậm lại có nghĩa là nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch thì thâm hụt thực tế có thể sẽ lên tới 2,8% hoặc 2,9% GDP.

Nếu tăng trưởng tại Italy thấp hơn một điểm phần trăm so với ước tính, điều đó có nghĩa là nước này sẽ mất khoảng 18 tỷ euro (20,4 tỷ USD) nguồn thu từ thuế".

Ông Missale nói thêm rằng mặc dù quan trọng, song nguồn thu thuế giảm không phải là vấn đề lớn nhất. Những quan ngại về tình hình kinh tế và bất ổn chính trị đang thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cao trong năm 2018.

Lợi nhuận trái phiếu cao, phản ánh tâm lý nhà đầu tư, nghĩa là chính phủ phải trả nhiều tiền hơn để vay, trong khi đó các khoản tiết kiệm cá nhân cũng như lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm, qua đó làm giảm khả năng vay tiền. Đây cũng là một điểm mà Morgan Stanley đưa ra trong nghiên cứu của họ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục