Kết nối các phương thức vận tải "khó gỡ" vì thiếu vốn

08:27' - 20/08/2017
BNEWS Việc thực hiện kết nối các phương thức vận tải nhằm thực hiện mục tiêu tối ưu bài toán vận tải sao cho chi phí logistics thấp, hiệu quả đầu tư cao, quản lý bảo trì ít tốn kém.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: TTXVN

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông vận tải (GTVT) hiện nay là tái cơ cấu vận tải theo hướng phát triển hài hòa các loại hình để khai thác và phát huy hiệu quả các phương thức vận tải, đặc biệt là phương thức vận tải khối lượng lớn, giảm giá thành, bảo vệ kết cấu hạ tầng.... Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng đánh giá ý nghĩa của việc thực hiện kết nối các phương thức vận tải và việc kết nối này đang có những thuận lợi, khó khăn gì?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Có thể nói ý nghĩa của việc thực hiện kết nối các phương thức vận tải, trước hết nhằm giúp kết hợp hài hòa các phương thức vận tải, cơ cấu thị phần vận tải một cách hợp lý nhất đối với từng lĩnh vực vận tải, đồng thời khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông, kho bãi, trang thiết bị và phương tiện vận tải. Từ đó, giảm giá thành vận tải, giảm thời gian đi lại, tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ngoài ra, việc thực hiện kết nối các phương thức vận tải nhằm thực hiện mục tiêu tối ưu bài toán vận tải sao cho chi phí logistics thấp, hiệu quả đầu tư cao, quản lý bảo trì ít tốn kém, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Có thể nhận xét một cách tổng thể, trong những năm qua, nhờ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược, các quy hoạch phát triển ngành GTVT mà hạ tầng giao thông vận tải đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Trong đó, năng lực vận tải hành khách và hàng hóa đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải trong và ngoài nước, bảo đảm mức tăng trưởng khá, chất lượng dịch vụ ngày càng tăng cao. Đây có thể được xem là những thuận lợi để thực hiện việc kết nối các phương thức vận tải.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành GTVT cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó phải kể đến là nguồn vốn đầu tư thiếu trầm trọng dẫn đến phải dừng, đình hoãn, giãn tiến độ nhiều dự án công trình giao thông ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội; kết cấu hạ tầng GTVT không phát triển kịp với tốc độ phát triển của phương tiện giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó là tình trạng vận tải đường bộ có sự tăng trưởng vượt trội, trong khi các phương thức vận tải khác chưa tăng được thị phần dẫn đến sự mất cân đối trong quá trình phát triển thị trường vận tải.

Đặc biệt, thực trạng kết nối giữa các phương thức vận tải hiện nay còn yếu do kết nối về hạ tầng, phương tiện và về thông tin còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế sự phát triển của dịch vụ vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường vận tải thiếu minh bạch, thiếu thông tin, giá cước vận tải cao do đơn vị chủ phương tiện không trực tiếp làm việc với chủ hàng mà phải thông qua nhiều khâu trung gian, môi giới làm hiệu quả khai thác thấp, hệ số chạy rỗng cao…

PV: Để phát huy hiệu quả phương thức vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã có cơ chế chính sách như thế nào cũng như tham mưu đề xuất gì tới Chính phủ để khai thác tốt nhất lợi thế của việc kết nối các phương thức vận tải, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề ra các giải pháp để Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.

Gỡ khó cho kết nối các phương thức vận tải. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật không chồng chéo, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng văn bản; trong đó chú ý cải thiện tính dự báo định hướng chiến lược góp phần tạo cơ sở pháp lý ổn định, chú trọng cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, đề án để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; trong đó tập trung vào Chiến lược Phát triển dịch vụ vận tải, Đề án Phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT, các quy hoạch hệ thống cảng cạn, cảng biển, phát triển vận tải biển, đội tàu vận tải thủy, đội tàu bay…

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, giao thông tiếp cận, công tác xã hội hóa bến xe. Tiếp tục duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện.

Cùng với đó, Bộ sẽ tăng cường tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; nâng cao chất lượng công tác quản lý vận tải, đảm bảo kiểm soát được thông tin về nhu cầu luồng vận chuyển, khối lượng vận chuyển, loại hàng hoá, giá cước, chi phí vận tải để có điều chỉnh kịp thời, hướng tới vận tải đa phương thức và phát triển dịch vụ logistics…

PV: Đầu tư cho hạ tầng giao thông cần một lượng vốn lớn. Thứ trưởng có thể cho biết nhu cầu vốn cho kết nối các phương thức giao thông như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành GTVT, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định các nội dung trọng tâm đầu tư trong từng lĩnh vực vận tải chuyên ngành giai đoạn 2016 – 2020; trong đó có mục tiêu từng bước hài hòa, kết nối các phương thức vận tải nhằm giảm giá thành trong vận tải.

Cụ thể, tổng nhu cầu vốn đầu tư vào khoảng 952.731 tỷ đồng, bao gồm 604.814 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 347.917 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo kế hoạch vốn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải mới được bố trí 209.111 tỷ đồng; bao gồm vốn ODA, vốn trong nước, vốn trái phiếu Chính phủ.

Như vậy, vốn ngân sách nhà nước được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu vốn của ngành GTVT sẽ là một trở ngại cực kỳ lớn để thực hiện các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông. Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đến nay dự kiến chủ yếu từ các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và một số dự án thuộc lĩnh vực hàng không ước tính khoảng 81.716 tỷ đồng.

Như vậy, với mức vốn ngân sách nhà nước được thông báo và vốn trái phiếu Chính phủ được phân bổ thì ngành GTVT sẽ hầu như không có vốn để triển khai dự án khởi công mới.

Từ thực trạng trên cho thấy, Quốc hội, Chính phủ cần có chủ trương, chính sách tập trung và ưu tiên hơn nữa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong khi nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng giảm sút sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.

Trong khi đó, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gặp khó khăn về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng chậm được đổi mới, chưa có cơ chế bảo lãnh một số rủi ro (rủi ro doanh thu, rủi ro tỷ giá...) theo thông lệ quốc tế nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư theo hình thức công tư (PPP) phát triển kết cấu hạ tầng giao thông . Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp lý quy định về đầu tư theo hình thức PPP vẫn còn một số bất cập, việc ban hành các thông tư hướng dẫn còn chưa kịp thời.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục