Kết nối cung-cầu sản phẩm phụ trợ sản xuất thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

13:26' - 14/10/2022
BNEWS Sáng 14/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo kết nối cung-cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong các khâu sản xuất, nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp.

Sáng 14/10, tại T.p Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo kết nối cung-cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong các khâu sản xuất, nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Trong đó, nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo mô hình CE- nền sản xuất hàng hóa bền vững, tiết kiệm tài nguyên, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) với các nội dung nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý, kinh doanh, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên,...

 

Đồng thời, tăng cường nhận thức cho cộng đồng, người dân thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm hơn vì sự phát triển bền vững của chính cộng đồng.

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 đưa ra những nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó tập trung quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên; thiết kế bền vững, sinh thái, để tái chế; thúc đẩy sản xuất hàng hóa, sản phẩm thân thiện môi trường; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững…

Trong hai năm 2021-2022, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được triển khai rộng rãi trên cả nước và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực như hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất tiêu dùng bền vững cho một số ngành như chế biến thủy sản, bao bì, rượu bia… Tổ chức các hoạt động truyền thông, hội thảo về sản xuất tiêu dùng bền vững…

Hội thảo “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp" là dịp để Bộ Công Thương và các địa phương, các cơ quan, đơn vị cùng nhau xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian sắp tới nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.

Hội thảo cũng là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn để thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững trong giai đoạn tới.

Các tham luận tại hội thảo đã đưa ra những khái niệm cơ bản, lý luận chung về kinh tế tuần hoàn, vai trò và giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững đố với kinh tế tuần hoàn cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Trong đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Phương, Viện trưởng Viện Công nghiệp Môi trường giới thiệu về  giải pháp kỹ thuật áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, sản xuất và tiêu dùng bền vững; GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tham luận về kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải rắn trong sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Cũng tại hội thảo, đại diện một số công ty, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã trình bày những mô hình, kinh nghiệm thực tế trong sản xuât thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các đơn vị, lĩnh vực cụ thể, như “Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp” của công ty Cổ phần Kỹ thuật tự động Song Nguyên; giảm pháp xanh- không dùng hóa chất, xử lý cáu cặn cho đường ống và thiết bị trao đổi nhiệt” của công ty TNHH EWATER Engineering…

Nhân dịp này, Bộ Công Thương cũng tổ chức Triển lãm “Kết nối cung-cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp”.

Triển lãm có sự tham dự của khoảng 20 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, trưng bày các sản phẩm hàng hóa thân thiện môi trường; giới thiệu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong tiết kiệm năng lượng; giải pháp chuyển đổi số; công nghệ ứng dụng tự động hóa…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục