Kết nối gian hàng địa phương trên sàn thương mại điện tử

17:41' - 03/02/2024
BNEWS Bộ Công Thương đang kết nối ban, ngành địa phương với nền tảng thương mại điện tử và đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, cũng nhằm phát huy đầy đủ hiệu quả của các kênh thương mại điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) đã và đang kết nối các sở, ban, ngành địa phương với nền tảng thương mại điện tử và đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để triển khai mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử.

 

Theo đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số, đây cũng là một giải pháp nằm trong Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia GoOnline do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm đầu mối chủ trì, hợp tác với các nền tảng thưogn mại điện tử lớn.

Qua đó, cung cấp giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương tối ưu quy trình vận hành, quản lý kênh bán hàng để phân phối các sản phẩm của doanh nghiệp của địa phương mang lại hiệu quả tốt nhất.

Chương trình hướng đến tất cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu phát triển bán hàng trên sàn thương mại điện tử từ những sản phẩm thiết yếu thông thường đến sản phẩm mang tính chất đặc thù. Chẳng hạn: đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm sản xuất tại địa phương OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn và chứng nhận …

Ngoài ra, chương trình cũng mong muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp với sản phẩm tiềm năng nhưng khó khăn về nhân sự hoặc chi phí để mở rộng kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Khi tham gia chương trình này, mỗi tỉnh thành, địa phương sẽ được thiết lập một gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn; trong đó, tập trung tất cả doanh nghiệp sản xuất và sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, vận hành và phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Theo đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số, doanh nghiệp sẽ được tư vấn những thông tin hữu ích và thực tế về thị trường, chiến lược kinh doanh, chiến dịch bán hàng… trong suốt thời gian tham gia đồng hành. Đồng thời, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đã đang làm việc với một số doanh nghiệp về công nghệ và dịch vụ để khi giải pháp này đi vào vận hành sẽ trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thiết lập gian hàng, marketing, PR, livestream bán hàng, quản lý kho vận, chăm sóc phản hồi khách hàng… nhằm tối ưu cả về chi phí và hiệu quả bán hàng.

Ngoài ra, để đảm bảo phát triển lâu dài, việc tổ chức đào tạo đội ngũ vận hành thương mại điện tử riêng cho doanh nghiệp cũng là nội dung quan trọng của chương trình. Tới đây, Trung tâm Tin học và Công nghệ số dự kiến sẽ triển khai trên các sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada. Đây là những sàn thương mại điện tử lớn với thị trường rộng mở và nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhận định từ các chuyên gia, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử những năm qua, phân phối hàng hoá qua kênh thương mại điện tử đã không còn xa lạ. Dù vậy, trong quá trình tiếp cận, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn từ thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ; xây dựng quy trình đến chi phí đầu tư, quản lý vận hành, marketing.

Bên cạnh đó là khó khăn vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, giao nhận sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hơn nữa, quy trình chăm sóc sau bán hàng cũng là băn khoăn lớn của không ít doanh nghiệp nói chung khi hướng tới kênh phân phối thương mại điện tử.

Trên thực tế, ngoài ở một số thành phố lớn, số lượng doanh nghiệp ở địa phương có thể tự mình đưa sản phẩm lên kênh thương mại điện tử rất ít. Việc phát triển trên kênh thương mại điện tử như website, sàn giao dịch thương mại điện tử với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn khiêm tốn và không thực sự mang lại giá trị như mong muốn.

Với những nỗ lực và sự chung tay phối hợp từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả các nền tảng thương mại điện tử, mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên sàn thương mại điện tử hứa hẹn mang lại nhiều giá trị thiết thực. 

Đặc biệt, qua đây doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phân phối thương mại điện tử với nhiều tiềm năng, về phía người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm địa phương dễ dàng. Giải pháp cũng góp phần vào sự phát triển của thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế địa phương nói chung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục