Kết nối giao thông trong định hướng phát triển đô thị hai bên bờ sông Hồng

15:45' - 13/09/2023
BNEWS Trong bức tranh phát triển đô thị hai bên bờ sông Hồng của Thủ đô không thể thiếu đầu tư xây dựng những cây cầu qua sông Hồng tạo kết nối, liên thông giữa khu vực hai bên sông.

Sau nhiều năm lãng phí vẻ đẹp của sông Hồng trong phát triển đô thị, quy hoạch phân khu sông Hồng được UBND thành phố phê duyệt năm 2021, với định hướng sẽ nghiên cứu phát triển về mặt cảnh quan, văn hóa, giao thông và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông, sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm thành phố.

“Hình ảnh nhếch nhác ven sông Hồng sẽ được thay thế bằng đô thị hiện đại với dòng sông chảy giữa hiền hòa, hòa quyện cảnh sắc thiên nhiên với những tòa nhà cao tầng hiện đại tạo nên bức tranh nhiều màu sắc cho bộ mặt Thủ đô” là niềm mơ ước của nhiều người dân về Thủ đô “Văn hiến – văn minh – hiện đại” trong tương lại.

Trong bức tranh phát triển đô thị hai bên bờ sông Hồng của Thủ đô không thể thiếu đầu tư xây dựng những cây cầu qua sông Hồng tạo kết nối, liên thông giữa khu vực hai bên sông.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 8 cây cầu bắc qua sông Hồng. Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng. Các cây cầu không chỉ thúc đẩy quá trình phát triển cho đô thị hai bờ Nam - Bắc, mà còn là điểm nhấn về kiến trúc, văn hoá của Thủ đô.

Ngày 30/8 vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào khai thác cầu Vĩnh Tuy 2. Đây là công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội được đánh giá hoàn thành vượt tiến độ đề ra và không đội vốn nhờ những nỗ lực, quyết tâm từ phía Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn và các cán bộ, công chức, người lao động tham gia xây dựng công trình, đã tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm để khắc phục các khó khăn về dịch bệnh, thời tiết bất lợi, làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ, làm việc không kể ngày đêm, “tăng ca, tăng kíp”, huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để hoàn thành công trình sau 2,5 năm thi công.

 

Sau khi công trình cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào khai thác đã góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, hoàn thiện tuyến đường Vành đai giai đoạn 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của thành phố Hà Nội; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi các đô thị phía Bắc Thủ đô.

Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ kết quả và ý nghĩa của công trình này càng củng cố thêm những kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng.

Trong đó, không có việc gì khó, quan trọng là chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi và kiểm tra, giám sát; kỹ lưỡng chuẩn bị đầu tư; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, xử lý, tháo gỡ kịp thời những vấn đề phát sinh; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không chông chờ, ỷ lại…

Thủ tướng cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để triển khai tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông, nhất là các nút giao thông liên quan nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông; trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên trong năm 2024, triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2025 - 2030.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, phối hợp với các địa phương tiếp tục thúc đẩy dự án đường Vàng đai 4 vùng Thủ đô; chuẩn bị khởi công cầu Hồng Hà, Mễ Sở trong năm 2024.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức, đồng lòng để thực hiện các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông có tính kết nối, lan tỏa cao, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình. Trong đó, việc thiết kế, xây dựng các công trình ngoài đảm bảo chức năng giao thông, cầu phải thiết kế, xây dựng đảm bảo kỹ, mỹ thuật, phù hợp cảnh quan, trở thành sản phẩm du lịch của thành phố.

Với tốc độ gia tăng dân số kéo theo số lượng phương tiện trong nội đô như hiện nay, việc xây dựng thêm những cây cầu bắc qua sông Hồng sẽ tăng cường kết nối giao thông, kéo dân cư từ nội đô ra ngoại thành làm ăn, sinh sống.

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, lượng phương tiện hoạt động tăng mạnh, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp khiến tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô Hà Nội còn diễn biến tương đối phức tạp.

Quy hoạch ven sông Hồng để thực hiện hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông” đã được người dân chờ đợi từ rất lâu, tuy nhiên đến khi nào giấc mơ này trở thành hiện thực vẫn là một câu hỏi lớn.

Với lộ trình rõ ràng, với những bước đi bài bản, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng, người dân có thể tin tưởng vào một thành phố hai bên sông Hồng sẽ dần định hình trong tương lai.

Trong đó, giao thông đi đến đâu đô thị phát triển đến đó. Điều này giúp cho Hà Nội không chỉ cân bằng mật độ phát triển vốn đang nghiêng về vùng lõi phố cổ, mà còn tạo ra không gian rộng lớn và giàu tiềm năng và cũng sẽ mở ra hy vọng cho người dân trong vùng đất bãi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục