Kết nối hợp tác xã với doanh nghiệp

08:20' - 05/10/2018
BNEWS Để góp phần xây dựng thành công 15.000 hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước, Nam Định tiếp tục thành lập hợp tác xã mới đi đôi với việc giải thể các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả.
Nhiều hợp tác xã đã chủ động liên doanh, liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN
Để góp phần xây dựng thành công 15.000 hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, Nam Định tiếp tục thành lập hợp tác xã mới đi đôi với việc giải thể các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh chú trọng kết nối hợp tác xã với các doanh nghiệp để phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu nông sản tại địa phương. 

Là tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, các hợp tác xã nông nghiệp ở Nam Định đã hình thành và phát triển phong trào từ những năm 1960. Trải qua các thời kỳ cải tiến, đổi mới và chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã, Nam Định hiện có 324 hợp tác xã nông nghiệp và hoạt động theo Luật. 
Trong 3 năm từ 2014-2016, tỉnh Nam Định đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại hoạt động và chuyển đổi các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Để có thành công này, các hợp tác xã đã tổ chức đại hội giải thể, tổ chức lại để thành lập mới hoặc chuyển đổi theo luật. 
Khi giải thể, toàn bộ tài sản, vốn quỹ công nợ của hợp tác xã được kiểm kê phân loại để xử lý. Tài sản cố định là văn phòng, trụ sở và nhà kho giao lại cho UBND cấp xã quản lý; xóa các khoản nợ khó đòi; các tài sản khác được thanh lý, thu hồi để trả nợ và chia lại cho các xã viên hoặc giao cho các thôn, xóm đầu tư cho hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. 
Song song với đó, tỉnh thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành theo Luật. Các hợp tác xã mới thành lập đều thực hiện theo Luật, bộ máy quản lý gọn nhẹ, số thành viên tham gia hợp lý. Đặc biệt, các hợp tác xã đều liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên. 
Ông Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, sau khi tổ chức lại hoạt động theo Luật, nhiều hợp tác xã đã mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ mới, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên. Mỗi hợp tác xã tổ chức được 5-7 loại dịch vụ (tăng 1-2 dịch vụ so với trước khi thực hiện Luật), một số hợp tác xã tổ chức được 9-10 loại dịch vụ.
Nhiều hợp tác xã đã chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, qua đó đã hỗ trợ tích cực và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho các thành viên. 
Một số hợp tác xã tham gia tích tụ rộng đất, liên kết với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn đạt hiệu quả cao, làm tăng lợi ích cho các hộ thành viên mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, điển hình như các hợp tác xã: Minh Tân, Nghĩa Hồng, Toàn Thắng…. Hiện có 280 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; trong đó, có 105 hợp tác xã tổ chức tiêu thụ nông sản. 
Trong sản xuất kinh doanh dịch vụ, hầu hết các hợp tác xã đều hạch toán có lãi; vốn quỹ được bảo toàn và tăng trưởng; doanh thu bình quân hàng năm tăng từ 5 - 6%. Năm 2017 doanh thu bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/hợp tác xã, cá biệt có hợp tác xã đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm; 82% số hợp tác xã tăng trưởng được vốn quỹ, 11% số hợp tác xã bảo toàn giữ được vốn và vẫn còn 7% bị thua lỗ, giảm vốn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Lâm, trong quá trình tổ chức và hoạt động vẫn còn một số hợp tác xã chưa thực hiện đủ các quy định của Luật Hợp tác xã, nội dung và chất lượng chuyển đổi chưa đảm bảo, còn mang tính hình thức, phạm vi, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ còn nhỏ và hiệu quả chưa cao. Do vậy, tỉnh mới có 88 hợp tác xã xếp loại khá, tốt (chiếm 30%), loại trung bình và yếu kém còn cao với 205 hợp tác xã, chiếm 70%.
Nhiều hợp tác xã đã chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Ảnh minh họa: TTXVN
Đến năm 2020 của cả nước, Nam Định đặt mục tiêu có 340 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Trước mắt, tỉnh sẽ thành lập mới, lựa chọn các hợp tác xã loại tốt và khá đang hoạt động hiệu quả năm 2017 để xây đựng mô hình hợp tác xã điểm; xây dựng 5-7 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 
Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các hợp tác xã trung bình vươn lên hoạt động có hiệu quả; nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp yếu, kém để đạt tiêu chí có hiệu quả; đồng thời giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, ông Nguyễn Doãn Lâm cho biết, tỉnh sẽ rà soát, kiểm tra hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã đã chuyển đổi, thành lập mới theo Luật Hợp tác xã 2012; quyết liệt chỉ đạo các hợp tác xã tiếp tục chuyển đổi đúng, đủ nội dung hoạt động, giải thể các hợp tác xã yếu kém, hợp tác xã ngừng hoạt động, không tuân thủ các quy định của nhà nước... 
Tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã có quy mô lớn về thành viên, hoạt động hiệu quả, tham gia các chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành. Kết nối hợp tác xã với các doanh nghiệp để tổ chức thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu nông sản tại địa phương. 
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mỗi tỉnh, thành phố cần lựa chọn các mặt hàng chủ lực theo định hướng tái cơ cấu ngành để tập trung hỗ trợ phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản; bảo đảm thành lập mới và huy động trên 50% các hợp tác nông nghiệp để tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản. 
Thực hiện mục tiêu phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước hoạt động hiệu quả đến năm 2020, tỉnh đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị  giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; trong đó, hợp tác xã làm nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông sản khó khăn. 
Khi xây dựng và thực hiện các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, tùy theo điều kiện cụ thể liên kết để xác định các nội dung hợp tác, liên kết như: liên kết trong cung ứng vật tư, giống, vốn, phân bón; đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết như kho bãi, cơ sở chế biến, hệ thống tưới tiêu…; liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng lựa chọn các doanh nghiệp lớn, có uy tín tham gia mô hình thí điểm liên kết một số ngành hàng chủ lực, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục