Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

19:00' - 21/03/2023
BNEWS Nguồn vốn của ngân hàng luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp cần vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.

Thực tế trên được nêu ra tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thúc đẩy tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2023, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày 21/3.

Ông Lý Nhật Trường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14-15%, có thể điều chỉnh tùy tình hình thực tế.

Mục tiêu này cao hơn năm 2022, điều đó cho thấy Chính phủ luôn mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ nguồn vốn tín dụng để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là nguồn vốn của ngân hàng luôn sẵn sàng để đáp ứng  nhu cầu của doanh nghiệp, còn doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

 

Tính đến ngày 10/3, hoạt động huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 47.593 tỷ đồng, tăng 2,45% so với đầu năm; dư nợ đạt 42.228 tỷ đồng, tăng 0,77% so với đầu năm 2023, thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Mặt bằng lãi suất từ giữa cuối năm 2022 đến nay tăng cao hơn trước đó, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tính đến ngày 28/2, dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 5.790 tỷ đồng, giảm 2,12% so với đầu năm. Hiện các ngân hàng thương mại đã từng bước giảm dần lãi suất cho vay.

Đến tháng 3/2023 nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 1%/năm, một số gói tín dụng cụ thể mức lãi suất giảm từ 1 – 2%/năm so với cuối năm 2022 và xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động từ kinh tế giảm.

Đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long khẳng định đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng theo các quy định hiện hành.

Theo đó, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng nên các khoản cho vay vẫn phải đáp ứng đủ các điều kiện cấp tín dụng.

Đối với doanh nghiệp, do đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo… nên ảnh hưởng tới việc xét cấp tín dụng của ngân hàng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam đề xuất, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thông tin tín dụng và lãi suất cho vay cho doanh nghiệp nắm, đồng thời rút ngắn thời gian giải ngân, thời gian thẩm định dự án.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò tư vấn của ngân hàng đối với doanh nghiệp về thủ tục hồ sơ, lập dự án vốn vay cho ngân hàng; tăng cường công tác vốn vay cho doanh nghiệp sau khi giải ngân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và sử dụng vốn đúng mục đích của doanh nghiệp.  

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.530 doanh nghiệp đang hoạt động tốt, phát sinh doanh thu và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, còn 583 doanh nghiệp chưa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và mỗi năm hơn 200 doanh nghiệp mới được thành lập. Đây là nền khách hàng tương đối lớn để khai thác phát triển kết nối ngân hàng và doanh nghiệp cùng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị, ngành ngân hàng tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung về giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, nhất là tín dụng cho sản xuất kinh doanh, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đối với các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, tiết giảm chi phí, xử lý nợ xấu; tập trung cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các sở, ngành có liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tăng cường nắm bắt nhu cầu vốn, các khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý, qua đó phối hợp với ngành ngân hàng có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Đối với các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp, nhất là năng lực tài chính, năng lực quản trị, tăng cường đào tạo nhân sự trong các lĩnh vực tài chính, kế toán… để tổ chức hoạt động minh bạch. Đây là những yếu tố giải quyết khó khăn hiện nay đối với doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng theo các đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục