Kết quả bầu cử Mỹ sẽ tác động ra sao tới thị trường vàng và hàng hóa toàn cầu?

19:29' - 08/11/2016
BNEWS Vàng là tài sản trú ẩn an toàn của giới đầu tư và trong tháng vừa qua, giá vàng đã tăng 2% khi ứng cử viên Trump dần thu hẹp khoảng cách với bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cử tri Mỹ bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Indianapolis, bang Indiana. Ảnh: EPA/TTXVN

Giới đầu tư tài chính cho rằng nếu phần thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nghiêng về ứng cử viên đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, thị trường vàng nói riêng và thị trường hàng hóa nguyên liệu nói chung sẽ phản ứng giống như khi người dân Anh quyết định Brexit, chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hồi tháng Sáu vừa qua.

Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của “xứ sở sương mù”, giá vàng lập tức tăng 8%. Trong ba tháng tính tới tháng 9/2016, giá vàng thế giới trung bình đứng ở mức trên 1.300 USD/ounce. Brexit cũng đẩy giá nhiều hàng hóa khác giảm mạnh.

Vàng là tài sản trú ẩn an toàn của giới đầu tư và trong tháng vừa qua, giá vàng đã tăng 2% khi ứng cử viên Trump dần thu hẹp khoảng cách với bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Lần đầu tiên kể từ sau quyết định Brexit, vàng đã trở lại ngưỡng 1.300 USD/ounce.

Ngược lại, khi giới đầu tư tin tưởng hơn vào khả năng thắng cử của bà Clinton, giá vàng giảm mạnh. Giá kim loại quý này hôm 4/10 đã giảm 1,9% xuống còn 1.280 USD/ounce, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ đầu năm nay.

Đối với thị trường dầu mỏ, giá dầu thô Brent giảm tới 6,6% ngay sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy người dân Anh chọn Brexit được công bố. Giá dầu tiếp tục giảm sâu trong nhiều tuần sau đó do giới đầu tư lo ngại về khả năng khủng hoảng dư thừa.

“Vàng đen” chỉ trở lại ngưỡng 50 USD/thùng hồi tháng 8/2016 nhờ thị trường kỳ vọng các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng có ba nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu sẽ giảm nếu ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Thứ nhất, ông không xuất thân từ giới chính trị nên sẽ có nhiều bất ngờ đối với thị trường. Thứ hai, ông ủng hộ chính sách tăng cường khai thác dầu khí đá phiến và khí đốt tự nhiên. Nếu những chính sách nêu trên được thực thi, lượng cung sẽ tăng và giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm trong dài hạn. Thứ ba, việc ông Trump phản đối các hiệp định về tự do thương mại có thể sẽ làm cho nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và nhu cầu đối với dầu sẽ giảm.

Đối với các thị trường hàng hóa nguyên liệu khác, các chính sách bảo hộ mà ông Trump cam kết cũng sẽ gây ra tác động tiêu cực, kể cả khi ông không thực hiện ngay các biện pháp hạn chế thương mại. Ví dụ, Mỹ là nước nhập khẩu sắt và thép lớn nhất thế giới, và ông Trump đã đề xuất mức thuế trừng phạt đối với các sản phẩm sắt thép sản xuất từ Trung Quốc và Mexico - hai khách mua đậu tương và ngô hàng đầu của Mỹ.

Trong ngắn hạn, biến động của đồng USD sẽ ảnh hưởng tới giá các mặt hàng nguyên liệu vốn được niêm yết bằng đồng tiền này. Trong giai đoạn kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ bất ổn, thông thường giới đầu tư sẽ tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, bao gồm cả các hàng hóa nguyên liệu, và tăng cường nắm giữ USD. Do vậy, đồng USD sẽ mạnh lên, và khi đó gây sức ép xuống giá lên hàng hóa nguyên liệu.

>>> Theo dõi những tin tức mới nhất về Bầu cử Mỹ 2016 tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục