Khả năng ứng phó của giới đầu tư khi mối quan hệ Mỹ - Triều xấu đi?

06:30' - 31/08/2017
BNEWS Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ - Triều có khả năng xảy ra xung đột, các nhà đầu tư nên đối phó với tình hình trên như thế nào?
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Lãnh đạo Nhật, Mỹ nhất trí gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo “Văn Hối” (Hong Kong), thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Triều Tiên đã chuyển sang cứng rắn, đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đưa ra lập trường không hề mềm mỏng. Điều này khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về khả năng xấu nhất là xảy ra chiến tranh giữa hai nước, kéo theo những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ - Triều, những nước đầu tiên phải “đứng mũi chịu sào” chắc chắn sẽ là 3 nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc). Đối với Hàn Quốc, nếu xảy ra cuộc chiến, nước này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy dòng tiền bị chuyển ra khỏi Hàn Quốc không có gì lạ.

Tình hình của Nhật Bản chỉ có thể tốt hơn Hàn Quốc một chút, nhưng nước này có thể hứng chịu các cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên, do đó dòng tiền chuyển hướng sang đồng yen Nhật để phòng tránh rủi ro là không thích hợp. Hơn nữa, đồng yen mạnh sẽ gây bất lợi cho ngành xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi nhiệm vụ lớn nhất của Chính phủ Nhật Bản hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng yen mạnh không phù hợp với lợi ích của Chính phủ Nhật Bản. Vì vậy, một khi xảy ra chiến tranh, các nguồn vốn chưa chắc đã được lưu lại ở Nhật Bản.

Triều Tiên và các nước ASEAN, Australia và New Zealand không có tranh chấp lớn về chính trị và thương mại. Nếu xảy ra chiến tranh, các nguồn vốn có thể sẽ được đổ vào các nước hoặc khu vực ít bị ảnh hưởng này, nhưng tất nhiên không phải để đầu tư vào thị trường chứng khoán, mà ở đây được coi là nơi trú ẩn để bảo toàn đồng vốn trong ngắn hạn. Do Ấn Độ hiện nay vẫn có khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc trong vấn đề biên giới nên Ấn Độ không được tính là sự lựa chọn ưu tiên làm nơi trú ẩn để bảo toàn đồng vốn. Trong khi đó, các nước và khu vực mà Mỹ đầu tư có lẽ cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng.

Giới đầu tư sẽ ứng phó như thế nào khi mối quan hệ Mỹ - Triều xấu đi? Ảnh: AFP/TTXVN

Một khi xảy ra chiến tranh, theo tính toán sẽ có nhiều nguồn tiền từ nước ngoài chảy về Mỹ, nhưng có lẽ những nguồn tiền này sẽ không lập tức chảy vào thị trường chứng khoán Mỹ. Ngay cả trong trường hợp các nguồn tiền này có đổ vào các cổ phiếu Mỹ, thì chắc chắn sẽ xuất hiện những điều chỉnh rõ ràng và liên tục đối vớicác nhóm cổ phiếu Mỹ. Ngoài ra, do chi phí chiến tranh rất lớn nên dự kiến thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng lên, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Mỹ. Song nhờ có các yếu tố phòng ngừa rủi ro, nên Mỹ vẫn có thể được hỗ trợ bởi dòng vốn đổ vào.

Về phía châu Âu, do chịu ảnh hưởng ít hơn nên các dòng vốn cũng sẽ chảy vào châu Âu. Tuy nhiên, các dòng vốn có thể chảy nhiều hơn vào hai nước Pháp và Đức, trong khi chảy vào Anh ít hơn do những yếu tố không rõ ràng liên quan đến vấn đề Brexit.

Về lĩnh vực hàng hóa, do nguồn vốn sẽ phải phòng tránh rủi ro nên nhu cầu về vàng có thể tăng lên. Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đến lúc đó có thể cần thiết phải đảo ngược chính sách tiền tệ, từ thắt chặt chuyển sang nới lỏng. Điều này sẽ khiến đồng USD chịu sức ép, kích thích giá vàng tăng lên. Đối với giá dầu, mặc dù cuộc chiến không liên quan đến khu vực sản xuất dầu mỏ, nhưng vì nhu cầu quân sự có thể sẽ tăng lên khiến lượng dầu trong các kho dự trữ giảm xuống và cũng có thể đẩy giá dầu tăng lên.

Ngoài ra, một khi nổ ra chiến tranh, số lượng thương vong dự kiến sẽ rất lớn, nhu cầu về dược phẩm cũng sẽ tăng lên. Do đó các ngành nghề liên quan cũng có thể nhận được một số tác động tích cực. Việc khai chiến cũng khiến chính sách tiền tệ của Fed đối với các ngân hàng trung ương khác có thể chuyển từ trạng thái thắt chặt tiền tệ sang nới lỏng. Hơn nữa đến lúc đó, nhu cầu vay yếu đi và cũng sẽ mang đến các ảnh hưởng có phần tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục