Khắc phục “Thẻ vàng” IUU: Bình Thuận kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

13:26' - 24/09/2021
BNEWS Sáng 24/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị đánh giá và triển khai các giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao. Đồng thời, gắn trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các sở, ngành, địa phương.

Nhờ đó, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài từng bước được ngăn chặn. Nhất là trong gần 2 năm, từ tháng 7/2019 đến giữa năm 2021, Bình Thuận không phát hiện tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Điểm sáng trong việc triển khai các biện pháp chống IUU là cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biển và các ngành chức năng đã chủ động, quyết liệt triển khai thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chống khai thác IUU gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản 2017, nhất là các hình thức xử phạt quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ- CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động thủy sản.

Để góp phần cùng cả nước sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, tỉnh Bình Thuận tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của EC đề ra. Cụ thể, việc triển khai lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Tính đến ngày 15/9, tỉnh có 1.817 tàu cá đã thực hiện lắp đặt VMS, đạt 94%.

Theo đó, nhóm tàu từ 24 m trở lên lắp đặt đạt 100%. Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động ổn định Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ vượt biên khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, kiểm soát, phòng chống khai thác IUU trên biển, tại cảng cá; giám sát sản lượng, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác được triển khai quyết liệt. Trong 8 tháng năm 2021, tại các cảng cá, lực lượng chức năng đã giám sát hơn 17,5 nghìn lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ hơn 65 nghìn tấn hải sản, thu giữ hơn 4,2 nghìn sổ nhật ký khai thác. Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết cấp 58 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản trong số 1.130 tấn hải sản.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những tồn tại, khó khăn, đồng thời, đề ra các giải pháp khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai chống khai thác IUU. Các đại biểu nhìn nhận hiện nay, việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU tại Bình Thuận vẫn còn nhiều thách thức, kết quả ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài chưa bền vững, nguy cơ còn rất cao.

Đặc biệt từ giữa năm 2021, thông qua nghiệp vụ và nhiều kênh thông tin, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện một tàu cá Bình Thuận bị nước ngoài bắt giữ và 2 trường hợp khác nghi ngờ đang bị bắt giữ. Các tàu cá này thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh nên việc quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù, nhận thức rõ nhưng vì lợi bản thân, một số ngư dân cố tình vi phạm pháp luật, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Điều này ảnh hưởng đến nỗ lực chung của tỉnh, của cả nước trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan tiếp tục bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp theo phân công với mục tiêu phải chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.

Hiện nay, hầu hết các trường hợp vi phạm là tàu cá thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Vì vậy, các cơ quan quản lý thủy sản, biên phòng và chính quyền địa phương vùng biển phối hợp với các tỉnh rà soát, quản lý nhóm tàu cá thường xuyên neo đậu, xuất bến ngoài tỉnh; phân loại tàu cá nguy cơ cao, nhất là tàu cá nhiều tháng, nhiều năm không về địa phương, tàu cá đã bán ra ngoài tỉnh mà chưa làm thủ tục…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lưu ý, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ các cơ quan pháp luật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt mức tối đa theo khung pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá không chấp hành quy định pháp luật về điều kiện hành nghề, nhất là các hành vi vi phạm về IUU.

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát, xác định số tàu cá nằm bờ, dừng hoạt động, tàu cá chờ thanh lý, giải bản… để hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trong diện phải lắp đặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục