Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Có chính sách bảo hộ cho ngư dân vươn khơi, bám biển

15:43' - 24/08/2022
BNEWS Để gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, đến nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 2.632/2.798 tàu đánh bắt xa bờ lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt 94%.

Ngày 24/8, Đoàn đại biểu Quốc hội do bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022.

 
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Cụ thể, từ năm 2018-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các lớp tập huấn với hàng ngàn lượt người tham dự; thực hiện in ấn, cấp phát hơn 10.000 sổ nhật ký theo từng loại nghề khai thác, phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU cho các chủ tàu, thuyền trưởng, tập trung tại những địa bàn trọng điểm thường xuyên có tàu cá, ngư dân vi phạm.

Cùng với việc tổ chức lớp tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền mạnh với tần suất liên tục trên hệ thống loa phát thanh tại xã, phường, thị trấn ven biển nhằm phổ biến rộng rãi để người dân hiểu rõ quy định pháp luật về thủy sản, quy định của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.

UBND tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển tổ chức Chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Qua đó, đã ký kết triển khai Kế hoạch phối hợp tuyên truyền Luật Thủy sản và phổ biến chống IUU và ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức cho 100% chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép trước khi xuất bến...

Tính đến nay, đã 2.632/2.798 tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt 94%. Số còn lại 166 chiếc chưa lắp thiết bị là đang nằm bờ, chờ bán hoặc một số chủ tàu báo đã bán nhưng chưa làm thủ tục sang tên, đăng ký lại và một số chủ tàu không còn ở địa phương... Ngoài ra, số lượng tàu cá đã lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700 là 829 chiếc.

Chủ tàu, thuyền trưởng đã chấp hành việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua, chuyển tải. Các cảng cá thực hiện tương đối đầy đủ việc thu nhật ký khai thác, kiểm tra thông tin sản lượng, vùng hoạt động ghi trong nhật ký khai thác thủy sản đối chiếu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá.

Các cảng cá chỉ định thực hiện phân công cử cán bộ theo dõi lập biên bản kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng, cấp giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng; có lập sổ theo dõi, khai báo thông tin tàu cá cập và rời cảng; lập sổ theo dõi tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản qua cảng, ghi chép thông tin theo biểu mẫu quy định.

Nhờ các biện pháp trên, năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 21 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển, 23 lượt tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày. Năm 2021, phát hiện 135 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển, 133 lượt tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày. Từ đầu năm 2022 đến nay, phát hiện 65 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển; cảnh báo phát hiện 24 tàu cá trùng lịch sử hành trình, các cơ quan chức năng đang phối hợp xử lý; cảnh báo bằng tin nhắn điện thoại đến chủ tàu, gửi thông báo đến các địa phương...

Tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển các nước bị bắt giữ thời gian qua có giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết thêm, việc thực hiện IUU vẫn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Tình trạng tàu bị mất tín hiệu kết nối dữ liệu giám sát hành trình đã giảm đáng kể tuy nhiên vẫn còn, nguyên nhân là do chất lượng thiết bị giám sát hành trình, lỗi vệ tinh, hư hỏng, chủ tàu chưa đóng cước phí, việc sử dụng thiết bị của thuyền trưởng còn hạn chế, không biết cách khắc phục sự cố; nguồn điện không đảm bảo...

Thời hạn của biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính rất ngắn, trong khi đó các phương tiện tàu cá hoạt động trên biển thường dài ngày mới trở về bờ (khoảng từ 1-3 tháng), do đó rất khó khăn trong việc thi hành đúng thời hạn....

Tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề như: hiệu quả của việc tăng cường phối hợp với các tỉnh, địa phương, cơ quan chức năng; ngăn chặn việc mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình.... Đồng thời, đề nghị lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực chồng lấn để giám sát trên biển, hạn chế thấp nhất việc ngư dân vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài…

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Yến đề nghị, tỉnh tăng cường giám sát, thanh tra, nhắc nhở, đôn đốc ngư dân thực hiện IUU. Cùng đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực cũng như lực lượng, trang bị tàu thuyền cho các lực lượng chức năng liên quan để làm tốt hơn khâu tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát trên biển.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu, quản lý tàu thuyền phải chặt chẽ từ các địa phương. Tỉnh cần xây dựng kế hoạch, đề án hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề; đồng thời, điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản để kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định các vùng đánh bắt cho phù hợp.

Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm các chính sách bảo hộ ngư dân, có như vậy ngư dân mới có thể vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước…- bà Yến nhấn mạnh./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục